Cuộc sống mới ở Khánh Giang - Trường Lệ

08:04, 16/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vụ thảm sát 63 thường dân ở hai thôn Khánh Giang và Trường Lệ, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành đến nay đã gần nửa thế kỷ (18.4.1969 - 18.4.2018). Cũng chừng ấy năm, người dân nơi đây đã nén vào lòng nỗi đau, vươn lên xây dựng cuộc sống mới.

TIN LIÊN QUAN

Cứ mỗi dịp tháng Tư về, ông Huỳnh Minh Thương (65 tuổi), ở thôn Trường Lệ lại bùi ngùi nhớ về người thân của mình không may bị mất trong vụ thảm sát cách đây gần nửa thế kỷ.      

Ký ức không bao giờ quên

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Huỳnh Minh Thương kể: Năm ấy, tôi 16 tuổi, tham gia làm giao liên ở xã. Ngày ở trên núi Lớn, đêm về làng nắm tình hình. Chiều ngày 17.4, trước khi về làng, tôi leo lên một cây cao để quan sát thì thấy từng tốp lính kéo về làng. Chúng đốt nhà cửa, gom dân lại khiến nhiều người bị thương, tôi liền quay lại báo cáo với tổ chức. Cũng theo ông Thương, sáng 18.4, chúng tiếp tục lùng sục áp giải phụ nữ, trẻ em tập trung đến bãi đất gò Đập Đá, đốt cháy hết nhà cửa, đến trưa thì xả súng sát hại người dân trong làng. Sau khi bọn lính rút đi, ông Huỳnh Minh Thương về làng tìm người thân trong đống hoang tàn, đổ nát. Ba người thân trong họ tộc của ông đã vĩnh viễn ra đi.

Một góc khu dân cư thôn Trường Lệ hôm nay.
Một góc khu dân cư thôn Trường Lệ hôm nay.


Ông Trần Trọng Tài chia sẻ thêm: “Tôi thật sự sốc, khi nhìn thấy xác của mẹ và 3 người em không còn nguyên vẹn". Nhưng rồi, gác lại nỗi đau, ông Tài lên đường tham gia kháng chiến để trả nợ nước, thù nhà. Còn ông Dương Văn Xu, sau khi chôn cất vội 5 người thân, ông tiếp tục trở lại đơn vị để chiến đấu, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.  
 

Hiện tại, có một doanh nghiệp đầu tư 50 tỷ đồng để xây dựng khu du lịch sinh thái ở Suối Chí. Huyện cũng đầu tư 5 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo và xây mới một số hạng mục trong Khu di tích Khánh Giang – Trường Lệ. Công trình sẽ hoàn thành cuối năm 2018.  
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành BÙI ĐÌNH THỜI

Chung tay xây dựng cuộc sống mới

Giờ đây, những cánh rừng ở Khánh Giang- Trường Lệ, từng là cơ sở của cách mạng đã ngút ngàn một màu xanh. Bà Huỳnh Thị Mai có nhà sát bên núi Lớn, chia sẻ: “Nhờ cánh rừng này mà dân trong vùng có thêm nguồn thu nhập. Người dân vừa bảo vệ, vừa khai thác dầu rái, mật ong, lá nón, sa nhân, mây rừng... trung bình mỗi ngày có thu nhập từ 100 – 200 nghìn đồng”.

Dự án Phục hồi và quản lý, bảo vệ rừng bền vững do Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ triển khai khoảng 1.012ha ở Khánh Giang- Trường Lệ, tạo điều kiện cho người dân có thêm nguồn thu từ lâm sản phụ, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.

Bao năm qua, người dân ở đây đã nén nỗi đau vào lòng, vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Cùng với khai thác lợi thế từ đồi rừng, các hộ còn tích cực khai hoang đất để trồng lúa nước, phát triển chăn nuôi. Nhiều mô hình kinh tế gia trại mang lại hiệu quả cao, như hộ ông Trần Trọng Tài đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi khép kín, mỗi năm có thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Mới đây, ông Tài tiếp tục đầu tư 300 triệu đồng để nâng cấp chuồng trại nuôi bò vỗ béo và nuôi heo bằng thảo dược. Với ông Đoàn Ngọc Ý, cùng với phát triển kinh tế, ông còn chăm lo việc học của các con. Ông Ý có 5 người con  thì đã có 4 người học qua đại học và có việc làm ổn định.

 Nhờ có nguồn nước từ đập Suối Chí, nên lúa luôn đạt năng suất cao.
Nhờ có nguồn nước từ đập Suối Chí, nên lúa luôn đạt năng suất cao.


Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Trịnh Bê cho biết: Hai thôn Khánh Giang và Trường Lệ có khoảng 350 hộ thì hiện còn 14% hộ nghèo (bình quân toàn xã gần 10%). Cái khó của người dân nơi đây là, thường xuyên thiếu nước phục vụ sản xuất, nước sinh hoạt, vì một số công trình đã xuống cấp. Nguồn lợi từ cánh rừng nguyên sinh không còn nhiều, trong khi người dân thiếu đất sản xuất. "Để giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, xã sẽ kiến nghị huyện đầu tư mô hình nuôi ong lấy mật ở cánh rừng nguyên sinh", ông Bê nói.


Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.