Lý Sơn: Xây dựng nghĩa trang tập trung để bảo vệ môi trường, cảnh quan

05:03, 12/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc huyện Lý Sơn triển khai đầu tư xây dựng nghĩa trang tập trung để phục vụ nhu cầu di dời, an táng, đồng thời giảm áp lực cho các nghĩa trang trên địa bàn là điều hết sức cần thiết và nhận được sự ủng hộ của người dân địa phương.
 

Nghĩa trang tại 2 xã An Vĩnh và An Hải rộng hàng chục hécta và được xây dựng khá lâu, hiện nay các nghĩa trang này đều quá tải, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân xung quanh.

TIN LIÊN QUAN

Ông Trương Văn Trung - ở thôn Đông, xã An Hải chia sẻ: Vài chục năm trước, khi mới quy hoạch khu vực lân cận với hang Câu và khu vực Nhà máy nhiệt điện làm nghĩa trang để chôn cất người quá cố, lúc đầu các ngôi mộ đều được chôn theo một hướng “đầu gối sơn, chân đạp thủy”, hàng lối so le nhau khá đẹp, lại cách nhà dân khá xa. Tuy nhiên, vì quá tải nên thời gian sau mồ mả được chôn san sát, chiếc nọ lấn chiếc kia ken kín.

Nhiều ngôi mộ được chôn sau này nằm cách nhà dân không xa, nên người sống chấp nhận sống chung với người chết. Bên cạnh đó, vì mồ mả được chôn dày đặc, không có quy hoạch, nên nhiều hộ dân khi gia đình có người qua đời thì chôn cất ngay trong ruộng tỏi của mình, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước.

Còn tại xã An Vĩnh, cảnh mồ mả được chôn cất trong khu dân cư vài chục năm trước, nhưng chưa được di dời còn khá nhiều. Dạo một vòng quanh các khu dân cư, nhiều mồ mả được chôn cất từ lâu còn ẩn hiện trên các ruộng hành, tỏi, thậm chí ngay trong đất thổ cư cạnh nhà ở.

Lâu nay, việc làm “hàng xóm của người đã khuất” không phải là nỗi ám ảnh duy nhất của người dân Lý Sơn. Dù sống giữa bốn bề mồ mả, nhưng người dân vẫn mang nỗi ám ảnh “chết không có đất chôn”, hoặc “đất nhà cứ chôn”. Bởi một số người dân cho rằng, đất nhà mình, mình cứ chôn người thân, bấp chấp việc ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ông Võ Kỳ, một người dân ở thôn Tây, xã An Vĩnh cho biết thêm, trước nhà ông là khu thổ mộ của dòng họ, khu thổ mộ này được xây dựng vài chục năm nay, hiện nay xung quanh khu thổ mộ đều là nhà dân được xây dựng mới, biết là ở chung với người chết là điều không thể, nhưng các hộ dân cũng chẳng biết phải làm sao, nhưng khổ nhất vẫn là nguồn nước sinh hoạt. Do ở xa nguồn nước ngọt, nên phần lớn người dân ở khu vực này đều phải sử dụng nước giếng khoan, nên nguy cơ ô nhiễm nguồn nước là rất lớn.

Theo quy hoạch chung về việc xây dựng Lý Sơn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đảo Lý Sơn sẽ trở thành đô thị biển xanh sạch đẹp, văn minh, do đó, việc chính quyền huyện đầu tư xây dựng nghĩa trang tập trung có diện tích hàng chục hécta tại khu vực núi Hòn Sỏi là điều cần thiết.

Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy, cho rằng: Việc đầu tư xây dựng nghĩa trang tập trung tại núi Hòn Sỏi là nhiệm vụ quan trọng, bởi ngoài làm thay đổi phong tục tập quán, nâng cao nhận thức cho người dân địa phương trong việc chôn cất người chết, điều quan trọng đó là quy tập mồ mả hiện được chôn rải rác trên đảo về đây, vừa tiết kiệm được quỹ đất, vừa tạo mỹ quan và môi trường.

Việc triển khai thực hiện xây dựng nghĩa trang tập trung tại núi Hòn Sỏi đã được người dân thấu hiểu, thông suốt, đồng thuận cao với chủ trương của Thường vụ Huyện ủy về quy hoạch để phát triển Lý Sơn ngày càng giàu đẹp, văn minh.
                               

Văn Mịnh
 


.