(Báo Quảng Ngãi)- Không khuất phục số phận, tự tìm lấy giấc mơ cho mình dẫu đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng, anh Phan Quang (43 tuổi) và chị Phạm Thị Trâm (35 tuổi) ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) đã nỗ lực học nghề, học chữ Braille và tự nuôi sống bản thân. Trên chặng đường vượt qua khó khăn của cuộc đời, anh chị đã cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc.
TIN LIÊN QUAN
Mạnh mẽ vượt qua biến cố
Anh Quang và chị Trâm từng là những người lành lặn, nhưng rồi sóng gió cuộc đời ập đến khi họ chỉ mới tuổi đôi mươi. Sinh ra trong gia đình đông anh em lại nghèo khó, nên anh Quang phải nghỉ học sớm để lao động phụ giúp gia đình. Năm 20 tuổi, trong một lần đi rà sắt cùng anh trai, do trúng quả mìn phát nổ, khiến người anh trai tử vong, còn anh bị thương nặng, đôi mắt vĩnh viễn không nhìn thấy. Anh Quang trải lòng: “Làm quen với bóng tối là một việc rất khó khăn, nhưng nếu biết chấp nhận và kiên nhẫn thì dần dần mình vẫn tự lập được”.
Tổ ấm hạnh phúc của vợ chồng anh Quang. |
Sau khoảng thời gian thích nghi với cuộc sống mới, anh Quang tham gia sinh hoạt ở Hội Người mù huyện Tư Nghĩa, học chữ Braille, học nghề làm chổi đót, làm tăm... Chẳng ngại vất vả, việc gì làm ra tiền bằng mồ hôi, lao động chân chính, anh Quang đều thử sức. Chính nhờ sự chịu khó, nên anh luôn được các hội viên, mọi người tin tưởng. Từ năm 2001 đến nay, anh Quang là Chủ tịch Hội Người mù huyện Tư Nghĩa.
Với chị Trâm, bất hạnh cuộc đời ập đến khi đang ở tuổi nhiều mộng mơ. “Từ khi học lớp 9, mắt tôi bắt đầu nhìn không rõ, đi khám thì bác sĩ bảo bị cận, nhưng đến năm lớp 10 thì chỉ nhìn thấy mờ mờ. Gia đình lúc đó khó khăn, nên tôi đành phải nghỉ học, đi giúp việc nhà cho người quen ở TP.HCM. Thăm khám ở Bệnh viện Mắt rất nhiều lần, nhưng bác sĩ kết luận là bệnh ngoài khả năng chữa trị. Sau hai năm ở nơi đất khách, hết hy vọng, nên tôi quay về quê”, chị Trâm kể.
"Vợ chồng anh Quang, chị Trâm là tấm gương sáng về nghị lực. Họ đã vượt qua khó khăn, bất hạnh để xây dựng gia đình hạnh phúc. Cả hai còn là điểm tựa cho hội viên trên địa bàn huyện, thường xuyên giúp đỡ, động viên những người đồng cảnh ngộ vươn lên trong cuộc sống để trở thành người có ích". Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Tư Nghĩa NGUYỄN VĂN KHÁNH |
Ngày về quê, việc đầu tiên chị Trâm làm là đến Hội Người mù tỉnh để tìm cơ hội học nghề. Sau đó, chị vào Hội Người mù huyện Tư Nghĩa để học nghề làm chổi đót. Chị Trâm trải lòng: “Tôi làm chổi, làm tăm và đi bán sản phẩm cho hội. Dù công việc vất vả, nhưng tôi lại thấy vui, bởi đã vượt qua nỗi đau của cuộc đời".
Cùng nhau trên bước đường đời
Kể về câu chuyện cuộc đời, chị Trâm cho biết: “Gần 2 năm sinh hoạt ở hội, tôi và anh Quang yêu nhau, nhưng gia đình tôi không đồng ý, vì cho rằng cả hai đều không nhìn thấy ánh sáng, sợ cuộc đời tôi thêm khổ”. Vượt qua định kiến, anh Quang và chị Trâm đã nắm tay nhau, cùng xây đắp hạnh phúc, chứng minh cho mọi người thấy rằng, chỉ cần chăm chỉ lao động, sống tử tế, thì dù là người bình thường hay khuyết tật đều xứng đáng có được hạnh phúc trọn vẹn. Suốt 15 năm qua, họ đã cùng nhau sống những tháng ngày hạnh phúc.
Anh Quang cười hiền, nói: "Trước khi gặp Trâm, tôi nghĩ mình sẽ không lấy vợ vì sợ không mang lại hạnh phúc cho người phụ nữ mình yêu. Nhưng Trâm giúp tôi hiểu rằng, ai cũng sẽ có khiếm khuyết, những điểm chưa hoàn thiện chỉ cần mình thật tâm yêu nhau thì sẽ cố gắng vì nhau mà san sẻ, bù đắp".
Giờ đây, tổ ấm của hai anh chị là niềm mơ ước của rất nhiều người, khi hai đứa con một trai, một gái khỏe mạnh và chăm ngoan, học giỏi. Cháu Phan Phước Trung, học lớp 6, tự hào nói: “Dù ba mẹ cháu đều không nhìn thấy ánh sáng, nhưng mọi thứ ba mẹ đều làm được và rất yêu thương tụi con. Biết ba mẹ khó khăn trong việc đi lại, nên hai anh em cháu từ nhỏ đã biết tự lập".
Là người khiếm khuyết, nhưng khi trò chuyện cùng anh chị, sự lạc quan, niềm vui luôn hiện hữu. Hằng ngày, bên cạnh công việc mưu sinh, anh chị vẫn âm thầm dạy nghề cho nhiều hội viên người mù, truyền nghị lực sống cho họ.
Bài, ảnh: HIỀN THU