(Baoquangngai.vn)- Sau những ngày vui Xuân, đón Tết cùng gia đình, thời điểm này hàng ngàn người dân xứ Quảng theo những chuyến xe ra Bắc, vào Nam rời quê hương tìm đến những ‘miền đất hứa’ để mưu sinh với mong muốn có một cuộc sống khấm khá hơn.
TIN LIÊN QUAN
Kỳ nghỉ Tết vừa kết thúc, cũng là lúc hàng nghìn người lao động ở nhiều vùng quê trong tỉnh lại tất bật rời quê "lên đường" đến các thành phố lớn để tiếp tục chặng đường mưu sinh thường nhật. Dọc theo Quốc lộ 1, bến xe… những ngày sau Tết, có rất nhiều hành khách xách hành lý, tụ tập đứng chờ xe để rời quê.
Làm việc cho một công ty nước ngoài ở TP. Hồ Chí Minh, quy định chung đối với nhân viên rất khắt khe nên chị Huỳnh Thị Thanh Tuyền ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức) không thể xin nghỉ phép thêm được. Sau những ngày đón Tết cùng gia đình, chị Tuyền vội vã thu xếp hành lý cùng với những món quà quê lỉnh kỉnh ra đứng ở Quốc lộ 1, đón xe khách vào TP. Hồ Chí Minh cho kịp ngày làm việc đầu năm.
‘Mấy ngày Tết trôi qua thật nhanh. Mới về đoàn tụ với gia đình chưa được bao lâu mình đã phải trở lại TP. Hồ Chí Minh làm việc. Dẫu có chút lưu luyến, bịn rịn vì khoảng thời gian đoàn tụ bên gia đình quá ít ỏi, nhưng đành phải chấp nhận vì công việc, vì cuộc sống mưu sinh. Mình hy vọng trong năm mới gặp nhiều may mắn, công việc thuận lợi để năm sau về quê đón Tết cùng gia đình được sung túc hơn’- Tuyền tâm sự.
Sau Tết, lao động lại vội vã rời quê, trở lại nơi làm việc |
Ôm khệ nệ túi xách đựng đồ dùng cá nhân cùng chồng đứng chờ xe ở Bến xe Quảng Ngãi, mắt chị Lê Thị Phương Nga ở xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa), hướng nhìn về phía những chiếc xe đang đậu ở phía trước, tìm chiếc xe khách mà vợ chồng chị đã mua vé từ trước để lên xe ‘Nam tiến’ mưu sinh.
Trước Tết, vợ chồng chị Nga rời TP. Hồ Chí Minh bằng xe khách để về quê và cũng bằng phương tiện này vợ chồng chị quay lại thành phố để tiếp tục công việc, buôn bán hủ tiếu. Gia đình chị ở quê điều kiện kinh tế còn khó khăn, không có nghề nghiệp trong tay, làm ruộng thì chẳng đáng là bao nên vợ chồng chị phải gửi hai con cho ông bà chăm sóc, đi làm ăn xa để kiếm tiền nuôi con, xây dựng cuộc sống.
"Làm ở Sài Gòn, mỗi năm hai vợ chồng cũng tích cóp được vài chục triệu đồng, chứ ở quê làm quanh năm quần quật với mấy sào ruộng, chăn nuôi heo, gà… mà không có dư. Mỗi dịp ra Tết, vợ chồng lại tất bật khăn gói ra đi, cảnh con cái xa cha mẹ, cũng tội, mình thì cũng nhớ con, nhớ nhà, nhưng biết làm sao.."- vừa nói, chị Nga vừa lấy tay lau vội giọt nước mắt chực rơi trong khóe mắt.
Trong vô số lý do được những người ly hương đưa ra, phần lớn là vì gia đình khó khăn trong sản xuất, việc làm không ổn định và thu nhập bấp bênh nên dù muốn dù không cũng buộc phải ly hương với mong muốn cuộc sống của bản thân và gia đình sẽ vơi bớt khó khăn.
Có một điều mà bất kỳ ai cũng dễ dàng nhận thấy, trong dòng người đón xe, tàu rời quê và những người đưa tiễn hầu như trên khuôn mặt ai cũng đượm buồn, trong lòng chất chứa nhiều cung bậc cảm xúc, bởi nhiều người, họ phải xa nhà, bỏ lại sau lưng bố mẹ già, con nhỏ… Và lại một năm nữa họ đằng đẵng mưu sinh nơi đất khách quê người với niềm hy vọng xen lẫn lo toan…
Người lao động ly hương với ước mong cuộc sống sẽ ngày càng tốt đẹp hơn |
Đứng bên đường nhìn chiếc xe khách tuyến Quảng Ngãi- TP. Hồ Chí Minh chạy xa khuất tầm mắt, chị Lê Thị Hồng ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) mới quay lại lấy chiếc xe máy để trở về nhà với vẻ mặt đượm buồn, vì mới tiễn chồng lên xe vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân cho một công ty giày da.
‘Năm nào cũng vậy, đến mùng 6 Tết là ảnh đi rồi. Buồn lắm! Đáng lẽ có tiền như người ta thì ảnh nghỉ ở nhà, ngặt vì mình khổ quá, trong khi mấy đứa con còn đang tuổi ăn, tuổi học, nên hơn 4 năm qua, ảnh vào trong đó làm công nhân, chắt chiu dành dụm để cuối năm có tiền về quê sắm sửa thứ này thứ khác, lo cho gia đình có cuộc sống tốt hơn, còn chị ở ngoài này làm ruộng, chăm sóc mấy đứa con ăn học’- chị Hồng ngậm ngùi chia sẻ.
Những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều cơ chế chính sách thu hút đầu tư, nhiều doanh nghiệp vào xây dựng nhà máy, xí nghiệp sản xuất công nghiệp có hiệu quả, thu hút hàng nghìn lao động có tay nghề tại địa phương. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nhiều lao động trẻ vẫn ‘Nam tiến’ để tìm kiếm việc làm, nhất là đối với những lao động tự do không có tay nghề. Miền Nam thực sự là ‘miền đất hứa’ để giúp họ có việc làm và có nguồn thu nhập khá hơn so với công việc đồng áng ở quê nhà.
Chưa có cuộc điều tra xã hội học nào về lượng người ly hương sau Tết tại các làng quê, chỉ biết trên thực tế, sau những ngày sum họp cùng gia đình, đoàn tụ, vui vẻ trong những ngày Tết, nhiều lao động lại chia tay lên đường để tiếp tục cuộc sống mưu sinh trở thành vòng quay của lao động ở nhiều vùng quê.
Và trong những chiếc ba lô trên vai trong hành trang ly hương của họ, ngoài các món quà quê mang theo làm quà, còn ẩn chứa trong đó niềm hy vọng và đợi chờ của mẹ cha… ở quê nhà.
H.P