Cần xử lý chất thải y tế theo hướng tập trung

09:02, 02/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xử lý chất thải y tế luôn là vấn đề nan giải, nhất là tại các bệnh viện đang xử lý bằng công nghệ đốt. Vì thế, việc Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ xây dựng dự án xử lý chất thải y tế và được Bộ Y tế chọn Quảng Ngãi thực hiện mô hình thí điểm trước khi triển khai ra cả nước, sẽ tháo gỡ nút thắt về vấn đề này.

TIN LIÊN QUAN


Chưa được kiểm soát tốt

Theo Sở Y tế, mỗi ngày các bệnh viện trong tỉnh phát sinh 2,44 tấn chất thải y tế, trong đó có 0,556 tấn chất thải y tế nguy hại. Cụ thể là, lượng chất thải y tế phát sinh trung bình là 0,87 kg/giường bệnh/ngày (0,18kg/giường bệnh/ngày là chất thải nguy hại). Như vậy, mỗi năm lượng chất thải y tế trong toàn tỉnh phát sinh khoảng 890 tấn (trong đó có hơn 200 tấn chất thải y tế nguy hại).

 Khu vực bãi rác Nghĩa Kỳ được chọn triển khai dự án xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung.
Khu vực bãi rác Nghĩa Kỳ được chọn triển khai dự án xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung.

Việc xử lý được áp dụng đồng thời hai mô hình, gồm xử lý tại chỗ và xử lý theo cụm cơ sở, tại 14 công trình xử lý chất thải y tế. Điều đáng nói là, nhiều bệnh viện đặt lò đốt rác tại khu vực trung tâm của các huyện, nơi tập trung đông dân cư, nên ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân. Về công nghệ, đa số các lò đốt được đầu tư khoảng năm 2005, phần lớn đã cũ, xuống cấp, tốn nhiên liệu, phát sinh khói. Bên cạnh đó, một số bệnh viện còn hợp đồng với các đơn vị tư nhân để xử lý chất thải y tế.

Vấn đề tiêu hủy sau cùng chất thải rắn y tế hiện nay, được đánh giá là hầu như không được kiểm soát. Chất thải y tế nguy hại ở các phòng khám tư nhân vẫn được thu gom, vận chuyển, tiêu hủy chung với chất thải sinh hoạt.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Đức, cho biết: “Thời gian qua, kinh phí đầu tư cho việc xử lý chất thải y tế còn hạn hẹp, nên chưa đáp ứng yêu cầu  mục tiêu đặt ra cho từng giai đoạn. Công tác xử lý rác thải y tế tại các trạm y tế vẫn chưa được kiểm soát tốt”.
 

Giám đốc Ban Quản lý dự án, ông Nguyễn Hồng Quân, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi đang khẩn trương triển khai dự án để kịp bàn giao vào cuối năm 2018. Theo kế hoạch, tháng 3.2018 dự án sẽ được khởi công xây dựng”.

Xử lý theo hướng tập trung

Để giải quyết bất cập này, thời gian qua, ngành y tế đã tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư 4 dự án xử lý chất thải y tế. Trong đó có 3 dự án đã hoàn thành và 1 dự án đang triển khai thực hiện, dự kiến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành. Trong đó, tỉnh ta là một trong những địa phương được hỗ trợ vốn của WB tại Việt Nam.

Từ 2015 đến nay, WB đã tài trợ 3 dự án, trong đó có dự án xử lý chất thải rắn bằng công nghệ hấp ướt tiệt khuẩn đầu tiên trên địa bàn tỉnh, được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm với kinh phí 6,9 tỷ đồng. Công nghệ này có ưu việt hơn so với công nghệ xử lý rác thải bằng lò đốt là giảm thiểu khói bụi, ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.  Cùng với đó, WB cũng đã tài trợ dự án nâng cấp hệ thống xử lý nước thải nguy hại tại BVĐK tỉnh từ 300 m3/ngày đêm lên 800m3/ngày đêm, triển khai từ 2016, đến nay đã hoàn thành 90% khối lượng.

Đặc biệt, dự án có quy mô lớn nhất đang triển khai xây dựng đó là khu xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung, sử dụng nguồn vốn vay của WB kết hợp với vốn đối ứng của địa phương, có ý nghĩa thiết thực đối với Quảng Ngãi. Dự án được giao cho Sở Y tế làm chủ đầu tư, xây dựng tại Khu bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ, diện tích khoảng 8.000m2, công suất xử lý 800kg rác/ngày chất thải rắn y tế nguy hại và xử lý nước rỉ rác: 250m3 ngày/đêm. Tổng mức đầu tư gần 90 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay của WB hơn 63 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh gần 27 tỷ đồng. Dự kiến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng sẽ tiết kiệm khoảng 4,8 tỷ đồng/năm so với giá mà tỉnh phải trả cho đơn vị hợp đồng xử lý rác thải y tế nguy hại tại các bệnh viện hiện nay.


    Bài, ảnh: KN

 


.