Nỗi lo xuất toán bảo hiểm y tế (kỳ 2)

03:01, 15/01/2018
.

Kỳ 2: Quy định vênh thực tế

Có máy chụp X-quang, xét nghiệm hiện đại, nhưng cơ sở y tế lại không dám cho hoạt động đại trà, nếu có dùng thì cũng chỉ ưu tiên những trường hợp cấp cứu. Đồng thời, nhiều cơ sở y tế có thể thực hiện nhiều dịch vụ y tế, nhưng do không có bác sĩ chuyên khoa theo quy định, nên phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, vì nếu KCB sẽ bị xuất toán BHYT... Đây là những rào cản đang gây lãng phí nhân lực và thiết bị y tế.

 
Trong năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chưa được thanh toán chi phí chụp X-quang và xét nghiệm hơn 8 tỷ đồng. Giữa một bên là lợi ích người bệnh, một bên là số tiền chưa được thanh toán quá lớn, nhiều bệnh viện đang rơi vào thế "chùn" tay trong KCB cho người dân.

Có thiết bị mà... không dám dùng

 Việc đòi hỏi phải có bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm đã khiến nhiều bệnh viện rơi vào tình cảnh làm không được, không làm cũng không xong. Bởi lẽ, nếu không làm thì người bệnh thiệt, mà làm thì bị xuất toán. Thực tế đó khiến các bệnh viện phân vân khi chỉ định người bệnh thực hiện dịch vụ chụp X-quang, xét nghiệm.

Chị Nguyễn Thị Lệ Minh - Kỹ thuật viên Khoa Xét nghiệm của TTYT huyện Sơn Tây, cho biết: “Trước đây, mỗi tháng khoa làm xét nghiệm trung bình 200 - 300 ca bệnh phẩm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay, mỗi tháng khoa chỉ làm khoảng 20 trường hợp khi cần thiết. Bởi vì khoa thiếu cử nhân xét nghiệm, nên không thể làm đại trà, vì trước đó đã bị BHXH xuất toán”. Vì công việc ít, nên 3 nhân viên của khoa phải làm thêm công việc khác của bệnh viện. Cũng vì thiếu bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, kể từ năm 2016, TTYT huyện Sơn Tây phải hạn chế chụp X-quang cho bệnh nhân. “Chúng tôi làm thì bị BHXH yêu cầu xuất toán (với số tiền khoảng 40 triệu đồng). Trung tâm không có kinh phí để mua phim, hóa chất, nên chỉ ưu tiên sử dụng cho bệnh nhân cấp cứu là chính, trong khi thiết bị đầu tư không được khai thác hết công năng", Phó Giám đốc TTYT huyện Sơn Tây Nguyễn Quốc Dũng, cho hay.

Bác sĩ Trung tâm Y tế  huyện Sơn Hà điều trị cho bệnh nhân nhi.
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà điều trị cho bệnh nhân nhi.


 Cũng vì thiếu nhân lực X-quang, xét nghiệm mà trong năm 2017, TTYT huyện Sơn Hà chưa được BHXH thanh toán các dịch vụ này với số tiền hơn 100 triệu đồng. Giám đốc TTYT huyện Sơn Hà Đặng Minh Hoàng, cho biết: “Chúng tôi phải chi kinh phí để mua phim chụp X-quang cho bệnh nhân, dù chưa được BHXH thanh toán cũng phải chấp nhận làm, chứ không thể để người bệnh chịu thiệt. Thực tế, ngành y tế đã thông báo tuyển dụng cử nhân X-quang, xét nghiệm để phục vụ việc KCB từ nhiều năm, nay vẫn không có". Bệnh nhân Đinh Văn Ký, ở xã Sơn Kỳ vừa được kỹ thuật viên chụp X-quang, cho hay: “Tôi bị ho nhiều ngày, nên muốn chụp X-quang xem phổi thế nào, nhưng bác sĩ bảo nếu chụp sẽ không được thanh toán BHYT. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế quá khó khăn, tôi không thể đi xuống bệnh viện tỉnh được, nên sau đó TTYT cũng đồng ý chụp phim cho tôi”.
 

“Bệnh viện tuyến huyện tuyển dụng bác sĩ vốn đã khó khăn rồi. Tuyển được gần 2 năm mới cho KCB thì rất bất cập. Không cho khám thì không có nhân lực để phục vụ người dân. Cho khám thì không được BHXH thanh toán. Yêu cầu của BHXH có lẽ chỉ phù hợp với các bệnh viện tuyến Trung ương hay tuyến tỉnh”, một bác sĩ tuyến huyện, nói.

Theo lý giải của BHXH tỉnh, BHYT chỉ thanh toán đối với những trường hợp phim chụp X-quang do bác sĩ chuyên khoa X-quang, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh hoặc bác sĩ đa khoa, nhưng phải có chứng chỉ hành nghề X-Quang. Quy định này là không sát đúng với thực tế, khiến nhiều thiết bị đầu tư tiền tỷ chưa được sử dụng có hiệu quả, bệnh nhân ở miền núi thì đa số đều nghèo khó. Từ thực tế không có nguồn nhân lực dẫn đến bị BHXH từ chối thanh toán, nên các cơ sở y tế tuyến huyện đành "chuyển” bệnh nhân lên tuyến trên, hoặc phải điều trị dài ngày, do không được chẩn đoán hình ảnh hoặc xét nghiệm. Nếu người bệnh muốn thực hiện các dịch vụ X-quang, xét nghiệm thì phải tự bỏ tiền, trong khi họ mua BHYT thì không có điều kiện loại trừ. Việc hạn chế sử dụng các dịch vụ trên không những khiến người bệnh gặp nhiều thiệt thòi, mà còn dẫn đến khó nâng cao chất lượng KCB ở tuyến cơ sở.

 Y, bác sĩ “chùn tay”

 Một trong những vấn đề các cơ sở KCB "đau đầu" là do thiếu nhân lực thực hiện một số dịch vụ kỹ thuật, khiến các đơn vị bị xuất toán BHYT. Theo Phó Giám đốc BVĐK huyện Sơn Tịnh Nguyễn Thị Bích Ngọc, các dịch vụ như: Rút đinh kết hợp xương, phẫu thuật làm mỏm cụt, nối gân... đã được Sở Y tế phê duyệt theo phân hạng bệnh viện. Người thực hiện các dịch vụ này là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề ngoại khoa, có nhiều năm kinh nghiệm, bệnh viện còn được trang bị máy móc kỹ thuật hiện đại. Trong khi đó, BHXH cho rằng, không có bác sĩ chấn thương chỉnh hình, nên đã điều chỉnh giá dịch vụ này xuống theo giá dịch vụ khâu vết thương phần mềm dài dưới 10cm, với giá tiền 244 nghìn đồng (trong khi giá dịch vụ nối gân lên đến khoảng 2 triệu đồng). Chính vì vậy, số tiền chênh lệch này đã lên đến gần 100 triệu đồng/năm.

Dù chưa có cử nhân chẩn đoán hình ảnh, nhưng Trung tâm Y tế  huyện Sơn Tây vẫn phải thực hiện chụp X-quang cho một số trường hợp bệnh nhân.
Dù chưa có cử nhân chẩn đoán hình ảnh, nhưng Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây vẫn phải thực hiện chụp X-quang cho một số trường hợp bệnh nhân.


 Tại các bệnh viện tuyến huyện ở đồng bằng, việc tìm bác sĩ chấn thương chỉnh hình đã khó, đối với các TTYT ở miền núi thì đó là điều không thể có. Là bác sĩ chuyên khoa I, Phó Giám đốc TTYT huyện Sơn Tây Nguyễn Quốc Dũng có thể thực hiện tốt các trường hợp như nối gân, tạo mỏm cụt. Dù biết khi thực hiện các dịch vụ này BHXH sẽ không thanh toán, nhưng có những trường hợp bệnh nhân khó khăn quá, không thể đến BVĐK Quảng Ngãi được, nên trong năm 2017, trung tâm đã thực hiện khoảng 20 ca.
 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, trong số gần 800 bác sĩ toàn ngành, chỉ có hơn 10 bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh và đa số đều ở BVĐK tỉnh và các bệnh viện chuyên khoa. Các bệnh viện tuyến huyện, nhất là các huyện miền núi, khó thu hút các bác sĩ chuyên khoa này.

“Những dịch vụ mà trung tâm có khả năng làm, nhưng lại chuyển tuyến thì không những gây tốn kém cho người bệnh, mà còn tạo áp lực quá tải cho tuyến trên. Nếu không làm, các bác sĩ tuyến dưới khó có thể nâng cao tay nghề và bỏ phí thiết bị”, bác sĩ Dũng phân trần. Dẫn chứng câu chuyện vừa nêu, bác sĩ Dũng đưa chúng tôi đến gặp bệnh nhân Đinh Viết Thảo bị gãy 2 ngón chân vừa được xử lý vết thương, tháo khớp tạo mỏm cụt. “Các bác sĩ bảo chuyển tôi lên tuyến trên, nhưng tôi tha thiết muốn ở lại huyện điều trị, vì lên đó không có ai chăm sóc, vì thế mà bác sĩ điều trị cho tôi”, bệnh nhân Thảo nói.

 Hiện nay, BVĐK huyện Mộ Đức chưa có bác sĩ gây mê - hồi sức, mà chỉ có 2 cử nhân gây mê- hồi sức và 2 kỹ thuật, điều dưỡng trung cấp gây mê - hồi sức. Họ có kinh nghiệm trên 20 năm công tác và bệnh viện cũng đã triển khai phẫu thuật mổ ruột thừa; viêm, thoát vị bẹn, trĩ; mổ lấy thai... không để lại tai biến.

Phó Giám đốc BVĐK huyện Mộ Đức Lê Lượng cho rằng, theo Thông tư 13/2012/TT-BYT, ngày 20.8.2012, Bộ Y tế đã cho phép các cơ sở y tế chỉ có điều dưỡng viên gây mê - hồi sức nếu chưa có bác sĩ gây mê - hồi sức vẫn được thực hiện phẫu thuật. Hơn nữa, BVĐK huyện Mộ Đức là bệnh viện hạng III, nên được bố trí khu vực phẫu thuật với 2 bộ phận phẫu thuật và bộ phận hồi tỉnh và khu phẫu thuật trực thuộc Khoa ngoại. Bệnh viện cũng đã xây dựng các quy trình chuyên môn kỹ thuật về gây mê - hồi sức. “Vì vậy, BHXH không thanh toán chi phí phẫu thuật cho bệnh viện với lý do không có bác sĩ gây mê- hồi sức, với số tiền gần 1,3 tỷ đồng là chưa phù hợp với thực tế hoạt động của bệnh viện”, bác sĩ Lê Lượng cho biết.

Theo Luật KCB và các thông tư liên quan, bác sĩ chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề khi trải qua thời gian thực hành tại cơ sở KCB là 18 tháng. Như vậy, yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề mới thanh toán chi phí của BHXH hiện nay đã và đang “gây khó” cho nhiều bệnh viện trong tỉnh.


Bài, ảnh: K.Ngân -H.Anh

----------------------
*Kỳ 3: Vượt tầm giải quyết của tỉnh
 

TIN, BÀI LIÊN QUAN

 


 


.