(Baoquangngai.vn)- Tại làng rèn Minh Khánh, xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh), hơn 40 năm qua có một người phụ nữ vẫn ngày đêm nhóm bếp lửa hồng, tay vung nhịp búa tạo ra những nông cụ cho nông dân khắp mọi miền.
Tiếng búa, tiếng rèn đã trở thành một loại "âm nhạc" không thể thiếu của người dân thôn Minh Khánh. Gần 400 năm qua, nghề rèn đã gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến hôm nay và trở thành một nét văn hóa, truyền thống riêng của người dân nơi đây.
Bén duyên nghề rèn
Nhắc đến nghề thợ rèn người ta thường liên tưởng đến bếp lửa, đến những chiếc búa, lưỡi đe sắc bén và đây là một công việc nặng nề, khó khăn chỉ phù hợp cho cánh đàn ông to khỏe, lực lưỡng mới làm nỗi. Nhưng ít ai biết rằng bà Nguyễn Thị Nhàn (65 tuổi) ở xóm 6, thôn Minh Khánh hơn 40 năm nay vẫn thắp sáng bếp lò giữ lửa cho nghề rèn được lưu truyền.
Từ khi sinh ra đã là người của làng rèn truyền thống Minh Khánh, tuổi thơ bà Nhàn lớn lên theo từng tiếng búa, tiếng đe của bố. Những âm thanh đó dần dần trở thành một phần không thể thiếu trong hồi ức của bà về nghề thợ rèn. Người phụ nữ chân yếu tay mềm như bà Nhàn vẫn đang tiếp nối sự nghiệp mà bố mình đã truyền lại. Hằng ngày bà Nhàn phải vất vả tiếp xúc với ngọn lửa nóng hừng hực, nhưng bà vẫn luôn yêu nghề, bởi nó gắn bó với bà từ nhỏ.
Bà Nhàn đang thực hiện công đoạn quay lò nung sắt |
Gia đình bà Nhàn đến nay đã trải qua bốn đời làm rèn, hơn nửa đời người của bà dường như chỉ ngồi bên bếp lửa để kiếm từng miếng cơm manh áo, nuôi con cái ăn học thành người. Đôi bàn tay bà đã chai sạn theo thời gian, không giống như những ngưỡi phụ nữ khác trong làng giờ đây ở cái tuổi thượng thọ lục tuần bà vẫn ngồi đập từng nhịp búa, mong muốn tiếp tục đem lại những sản phẩm chất lượng nhất cho khách hàng.
Nhìn vào những con dao, chiếc xẻng… mọi người vẫn không tin rằng đó là sản phẩm do bàn tay của một phụ nữ tạo ra. “Tiệm rèn bà Nhàn” là cái tên lạ lẫm, hiếu kỳ cho nhiều người vì xưa nay chỉ nghe tiệm rèn của ông, chú, bác… mà chưa nghe nó là nghề của một phụ nữ bao giờ, hơn thế nữa là một phụ nữ đã có kinh nghiệm hơn 40 năm làm rèn.
Bà Nhàn tâm sự, từ năm 15 tuổi, sau những buổi cắp sách đến trường, bà Nhàn thường theo bố đến tiệm rèn để xem. Cũng từ đó mà thích những âm thanh của búa của đe khi nào không hay, rồi nhìn thấy những cục sắt, thanh thép đen sì được bố mài dũa thành những lưỡi liềm, con dao sắc bén đã làm bà say mê hơn. Lúc đó bà đã quyết định theo bố mình để học nghề nối nghiệp cho đến bây giờ.
Giữ mãi tình yêu với nghề
Liên tục từ 6h sáng đến 21h đêm tiếng búa chan chát vẫn vang lên liên hồi trong tiệm rèn của bà Nhàn làm náo nhiệt cả làng Minh Khánh. Tiếng đập, gõ phát ra từ bàn tay của một phụ nữ 65 tuổi mà mạnh mẽ, rõ ràng không khác gì một người đàn ông thực thụ, khỏe mạnh đang làm. Cái nghề vất vả của nam giới ngày qua ngày bà Nhàn vẫn hăng hái say mê thực hiện nó, không ngại khó khăn. Bà Nhàn bộc bạch: “Dù sức khỏe càng ngày càng giảm nhưng tôi vẫn phải làm, chủ yếu là làm ít hay làm nhiều. Cũng không muốn bỏ vì đã yêu nghề rồi, tôi sẽ tiếp tục làm cho đến khi nào có con cháu thế hệ mới muốn giữ lửa lò mới thôi”.
|
Bà Nhàn dùng búa thực hiện công đoạn dập phôi sắt
|
Chị Nguyễn Thị Thúy Ngân (con gái của bà Nhàn) chia sẻ: “Nhiều lần khuyên mẹ tôi bỏ nghề đi nhưng bà không chịu, bởi vì đối với bà đó là đam mê. Hôm nào mà không đụng đến búa, đe thì y như rằng hôm đó mẹ tôi ăn không ngon ngủ không yên. Hằng ngày tôi cũng ra phụ mẹ làm rèn và chủ yếu cũng để học hỏi cái nghề của tổ tiên để lại, dù không giỏi giang như mẹ nhưng ít ra cũng phải biết đó chính là cái nghề đã nuôi lớn tôi cho đến hôm nay”.
Với ngọn lửa yêu nghề, bà Nguyễn Thị Nhàn vẫn ngày ngày ngồi cạnh lò lửa rèn tạo ra những sản phẩm nông cụ tốt nhất đến tay người dùng. Bên cạnh việc mưu sinh, chăm lo cho gia đình thì với bà Nhàn việc "giữ lửa", truyền nghề cho thế hệ trẻ sau này chính là nỗi lo nhất của bà hiện nay.
Bài, ảnh: P. VIÊN