(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, nhiều nhà dân ở các vùng dự án miền núi phải di dời, xây dựng mới. Tuy nhiên, việc nhiều nhà bê tông hóa, thay cho ngôi nhà sàn truyền thống là chưa phù hợp với phong tục tập quán, đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Phá vỡ kiến trúc cũ
Cất nhà mới trên diện tích đất eo hẹo, đã vậy nơi ở mới luôn bị sạt lở sau mỗi mùa mưa lũ đã lấy đi những mét đất quý giá của các hộ dân ở khu tái định cư (TĐC) Nước Vương, xã Sơn Liên (Sơn Tây). Quỹ đất ở eo hẹp, nhưng bên cạnh ngôi nhà khang trang ở khu TĐC, đồng bào Ca Dong ở đây vẫn cố gắng cất thêm một ngôi nhà sàn để sinh hoạt.
Có nhà xây kiên cố nhưng người dân vẫn phải làm nhà sàn và sinh hoạt phần lớn ở đấy. |
Việc xây dựng thêm nhà sàn không phải vì nhà xây chật chội, mà do nhà sàn là không gian cư trú truyền thống đã lưu truyền qua bao thế hệ của người Ca Dong. Song, để nhường đất cho dự án thủy điện Đăkđrinh, nhiều hộ dân ở huyện vùng cao Sơn Tây đành xa ngôi nhà sàn truyền thống để về sinh sống trong những ngôi nhà xây dựng sẵn ở các khu TĐC. Ông Đinh Văn Nang ở khu TĐC Nước Vương bảo: "Không riêng mình mà bà con ở đây đều không quen ở nhà xây. Mùa này lạnh, nên bà con càng không thích ở".
Theo truyền thống, người Ca Dong nói riêng và đồng bào vùng cao nói chung, dựng nhà cách mặt đất từ một mét trở lên. Loại hình kiến trúc này phù hợp với địa hình, môi trường, phong tục tập quán của bà con.
Nhà ở cũng là một đặc trưng văn hóa của người Ca Dong. Ở đó chứa đựng nhiều giá trị văn hóa. Việc thờ cúng tổ tiên diễn ra trong ngôi nhà sàn truyền thống. Thế nhưng khi chuyển đến nơi ở mới, đã bê tông hóa với rất nhiều điều lạ lẫm, có rất nhiều thứ chưa phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào.
Những hệ lụy
Việc kiên cố hóa nhà ở nhằm đảm bảo an toàn cho người dân miền núi vào mỗi mùa mưa lũ là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc xây dựng làm sao để phù hợp với không gian sống, phong tục tập quán của họ cũng là một yếu tố cần phải tính đến. Không chỉ riêng khu TĐC Nước Vương (Sơn Liên), Anh Nhoi 2, xã Sơn Long (Sơn Tây) mà ở nhiều nơi việc đầu tư xây dựng nhà cho người dân vùng cao cũng không phù hợp với tập quán sinh hoạt của họ. Chính sự chưa hợp lý đó dẫn đến rất nhiều hệ lụy.
Riêng ở khu tái định cư Nước Vương, Anh Nhoi 2, nhiều nhà rộng thênh thang, nhưng chỉ dùng để xe máy, cất giữ nông sản... dẫn đến tình trạng lãng phí. Nhiều nhà ở bị bỏ hoang, xuống cấp. Cũng ở khu TĐC Anh Nhoi 2, nhiều hộ dân đã bán nhà hoặc cho người Kinh thuê và họ chuyển về nơi ở cũ, hoặc nơi khác để sinh sống.
Người dân ít sử dụng nhà ở khu tái định cư Anh Nhoi 2. |
Bà Đinh Thị Tân ngụ thôn Anh Nhoi 2, chia sẻ: "Ở nhà bê tông thì điều kiện ăn ở, cư trú cũng phải thay đổi theo. Nhiều bà con, nhất là người già khó thích nghi. Nếu được lựa chọn thì bà con vẫn thích ở nhà sàn hơn!".
Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cho biết: Nhà ở thay đổi theo hướng hiện đại là điều tất yếu. Tuy nhiên, vì nhà của đồng bào vùng cao mang tính đặc thù nên việc xây dựng cũng phải làm sao cho phù hợp với truyền thống của bà con. Thực tế ở khu Anh Nhoi 2, nhà TĐC không được người dân sử dụng hết. Không phải vì họ không có nhu cầu, mà vì phong tục tập quán của bà con không quen ở nhà xây. Bê tông các công trình thì được, chứ bê tông hóa nhà ở thì chúng ta cần cân nhắc, tính toán sao cho phù hợp để tránh dẫn đến những hệ lụy về lâu dài.
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN