(Báo Quảng Ngãi)- Đợt mưa lũ đầu tháng 11 đã gây thiệt hại nặng cho huyện Tây Trà. Để khắc phục hậu quả, địa phương cần một nguồn lực rất lớn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đợt lũ và mưa kéo dài những ngày qua, khiến cho nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Tây Trà tiếp tục sạt lở. Hệ thống cầu tràn, cống, cầu tạm, đường bê tông, đường nhựa bị hư hỏng nặng. Bí thư Huyện ủy Tây Trà Phạm Xuân Vinh, cho biết: Những ngày qua, chính quyền đã huy động tối đa thiết bị của các đơn vị thi công để tập trung giải phóng ách tắc trên các tuyến đường, nhưng vẫn chưa xong.
Việc khắc phục tại các điểm sạt lở gặp nhiều khó khăn, do trời mưa kéo dài. Đến thời điểm này, nhiều xã trên địa bàn huyện tiếp tục bị cô lập, như Trà Xinh, Trà Quân, Trà Nham, Trà Khê và Trà Thanh. Người dân ở các địa phương này sống trong cảnh tự cung tự cấp, vì hàng hóa không thể vận chuyển đến nơi.
Nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Tây Trà tiếp tục sạt lở, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. |
Theo ông Vinh, ước tính khối lượng đất, đá cần giải phóng trên các tuyến đường khoảng 100 nghìn m3, kinh phí sửa chữa khoảng 40 tỷ đồng. Thiệt hại nặng nề này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương trong trước mắt và lâu dài. Hiện tại, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực khắc phục tạm thời, để có thể chuyển hàng cứu trợ cho người dân các xã bị cô lập. Kinh phí để giải phóng tạm những tuyến đường này cũng khá lớn. Như tuyến đường Trà Phong – Trà Thanh, với 9 nghìn m3 đất đá, cần khoảng 700 triệu đồng; tuyến Trà Phong - Trà Xinh, để thu dọn 15 nghìn m3 đất đá, cần khoảng 900 triệu đồng...
Phó Chủ tịch UBND xã Trà Xinh Đinh Văn Nây, cho biết: Tuyến đường chính từ xã về trung tâm huyện bị sạt lở nhiều điểm. Địa phương có 522 hộ dân, đến thời điểm này, việc đi lại của người dân trong các thôn còn rất khó khăn. Vị trí sạt lở nặng tại khu vực cầu sông Tang, nơi giáp ranh giữa xã Trà Phong đi xã Trà Xinh chưa khắc phục xong, nên người dân không thể mua thực phẩm, xăng dầu, hay cấp cứu người bệnh; con em đến trường rất vất vả, vì bị núi lở.
Ngoài thiệt hại lớn về giao thông, đợt mưa lũ vừa qua cũng làm 100ha đất lúa nước bị sa bồi thủy phá. Hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn đều hư hỏng, trôi đường ống nước, đập bị bồi lắng... Những ngày qua, huyện đã chỉ đạo UBND các xã vận động ĐVTN, lực lượng công an, quân sự phối hợp cùng với người dân sửa chữa nhà cửa, các điểm trường bị đất đá sạt lở, để đảm bảo điều kiện cho các em học sinh đến lớp; dọn vệ sinh môi trường, khắc phục sa bồi thủy phá để kịp gieo sạ, đảm bảo mùa vụ. Chuẩn bị nguồn giống, vật tư; vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục thu gom đất đá trên các tuyến đường, tạo điều kiện cho người và phương tiện qua lại an toàn.
Tuy nhiên, với thiệt hại lớn về hạ tầng, trong khi địa phương rất khó khăn về kinh phí, nên huyện Tây Trà rất cần sự hỗ trợ của tỉnh.
Bài ảnh X.THIÊN