Nấu cơm phục vụ người nghèo

08:12, 06/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Căn bếp nhỏ ở Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi Diên Hồng (TP.Quảng Ngãi) luôn nhộn nhịp. Tại đây, các tình nguyện viên có mặt từ sáng sớm, mỗi người một việc cùng nhau chế biến, nấu thức ăn phục vụ những người lao động nghèo, những hoàn cảnh không may mắn, với suất ăn “cơm 2.000 đồng".  

Hằng ngày, từ tờ mờ sáng, bà Phan Thị Diễm (51 tuổi) cùng các bạn trẻ đến từ CLB tình nguyện Tương lai xanh lại tập trung đi chợ, chuẩn bị nguyên liệu để cùng nhau nấu bữa cơm từ thiện cho những người có hoàn cảnh khó khăn...

TIN LIÊN QUAN

“Nụ cười sông Trà”

Sau khi có thực phẩm, mỗi người một việc, bắt tay vào các công đoạn sơ chế, nấu để đến tầm 10 giờ trưa là hoàn tất khẩu phần suất cơm trưa, nhằm phục vụ cho những người đến với Quán cơm xã hội “Nụ cười sông Trà”. Theo như bà Diễm, dù phải dậy sớm và tất bật với công việc, nhưng bà cùng các bạn trẻ ở đây đều rất vui, vì đã làm được những việc đầy ý nghĩa.

Thanh niên tình nguyện phục vụ bữa ăn cho người nghèo.
Thanh niên tình nguyện phục vụ bữa ăn cho người nghèo.


Gắn bó với bếp ăn xã hội “Nụ cười sông Trà” đã hơn 2 năm qua, lúc đầu, bà Diễm cũng ngại ngần. Nhưng rồi, tinh thần xung kích của những người trẻ đã níu chân bà ở lại với quán cơm. Bà Diễm chia sẻ, mỗi ngày luôn có khoảng 10 - 15 bạn trẻ tình nguyện, làm việc từ sáng sớm đến trưa để chuẩn bị đủ số suất cơm phục vụ người nghèo. “Những người tham gia tình nguyện viên ở đây không phải có cuộc sống khá giả hay rảnh rỗi, mà họ đến với quán cơm cốt yếu là để chia sẻ và chung tay chăm lo cho người nghèo”, bà Diễm tâm sự.
 

Quán cơm xã hội “Nụ cười sông Trà” do Tỉnh đoàn quản lý, hoạt động từ tháng 3.2014. Đây là mô hình được Trung ương Đoàn bình chọn là công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2012-2017. Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lê Văn Vin, hơn 3 năm qua, quán cơm đã phục vụ gần 122.000 suất cơm giá rẻ cho người nghèo (2.000 đồng/suất), trong khi giá trị thực mỗi suất từ 10.000 - 12.000 đồng. Để có nguồn tiền duy trì quán, những năm qua, ngoài số tiền hỗ trợ 200 triệu đồng của tỉnh, còn có hàng trăm đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ 2 tỷ đồng, 4 tấn gạo cùng các nhu yếu phẩm khác.

Bên cạnh các mạnh thường quân, nhà hảo tâm góp tiền, vật chất, thì mỗi tình nguyện viên tham gia nấu cơm và phục vụ tại đây đã góp công sức của mình vào việc duy trì quán cơm xã hội này. Trong số các tình nguyện có nhiều bạn là sinh viên rất bận với chuyện học, nhưng vẫn luôn cố gắng thu xếp thời gian, để tham gia.

Là tình nguyện viên gắn bó từ ngày thành lập quán cơm đến nay, bạn Võ Ngọc Mỹ Dương - Phó Chủ nhiệm CLB tình nguyện Tương lai xanh, cho biết: Để phục vụ tốt bà con nghèo đến ăn cơm, các thành viên chia nhau nhiệm vụ, như nấu nướng, giữ xe, mang suất cơm đến từng bàn, lau chùi, dọn dẹp quán...

“Công việc tuy không nặng nhọc, nhưng khá vất vả. Dù vậy, các tình nguyện viên đều vui, vì được góp chút công sức cho hoạt động của quán cơm. Nhìn bà con ăn ngon, nói cười vui vẻ, bọn em thật hạnh phúc”, Dương tâm sự.

Niềm vui của người nghèo

Ngoài trời mưa lâm thâm. Thấy một cụ già chậm rãi bước vào quán cơm để chiếc áo mưa dưới nền quán cơm, anh Trần Đăng Minh, một tình nguyện viên phục vụ tại quán, liền nhỏ nhẹ, nói: “Ông ơi, móc chiếc áo mưa lên giá treo này, không thì bẩn hết”. Nói rồi Minh bước chân đến dìu cụ ông vào bàn ngồi, mang suất cơm đến mời ông cụ ăn trưa.

Ở quán cơm này, những hành động nhỏ như vậy nhưng chứa đầy tình thương luôn được các bạn thanh niên tình nguyện nhắc nhở nhau phải làm. Anh Minh tâm tình, quán cơm phục vụ hầu hết là người có hoàn cảnh khó khăn, vậy nên, từng cử chỉ, lời nói của anh em phải làm sao để bà con không thấy tủi thân khi đến đây. Mọi người vào quán anh em đều hỏi chuyện nhà cửa, công việc, rồi chia sẻ với bà con để họ cảm thấy ấm lòng hơn.

Mỗi ngày, quán cơm phục vụ hơn 50 suất ăn, có khi trên 100 suất, phần lớn họ đều là “khách hàng thân thiết”. Người đến ăn cơm, ai có hoàn cảnh như thế nào các bạn tình nguyện viên đều biết sơ qua. Dù chưa tới giờ cơm trưa, chị Thanh đã đến quán ăn sớm. Nhìn các bạn trẻ luôn tay, luôn chân chuẩn bị bữa ăn, chị không khỏi xúc động.

Từ ngày có quán cơm này, chị Thanh tiết kiệm được một ít để lo cho mấy đứa con đi học. “Ai ở quán cơm cũng rất dễ thương. Họ bỏ thời gian để nấu cho mình bữa cơm ngon như vậy thì còn gì bằng. Tôi rất xúc động khi những lao động nghèo như chúng tôi được xã hội quan tâm, chia sẻ”, chị Thanh bộc bạch.


Bài, ảnh: NG.TRIỀU



 


.