(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt vụ mua bán xăng, dầu lậu trên vùng biển Quảng Ngãi được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Tình trạng này diễn ra phức tạp, gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến trật tự kinh doanh xăng dầu nội địa.
Hiện tại, khoản lời từ mua bán xăng dầu trái phép khá cao (từ 8.000 – 10.000 đồng/lít), khiến nhiều đầu nậu, DN bất chấp nguy hiểm, tìm mọi cách để buôn lậu xăng dầu, thu lợi bất chính. Tình trạng này xảy ra thường xuyên ở vùng bờ và vùng biển Dung Quất – nơi có NMLD Dung Quất đóng chân, gây bức xúc trong dư luận. Đối tượng buôn lậu không chỉ là DN, cá nhân trong nước mà còn cả các tàu mang quốc tịch nước ngoài.
Mới đây, sau gần 2 tháng lên phương án tổ chức, điều tra, đấu tranh trên biển trong điều kiện sóng to gió lớn và sự bất hợp tác của các đối tượng tham gia vận chuyển, vụ việc này mới có kết quả. Chiều ngày 29.11, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Cảnh sát biển tống đạt quyết định xử phạt hành chính và tịch thu 8.900 lít dầu DO đối với 2 tàu vận tải biển Charlotte và Pacific mang quốc tịch Singapore. Đây là hai tàu vận chuyển dầu chuyên dụng có trọng tải 5.400 GT, tương đương 16.200m3.
Theo đại tá Bùi Minh Trứ - Phó Tư lệnh về pháp luật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, đây là vụ buôn lậu dầu lớn trên biển bị bắt giữ, với giá trị hàng trăm tỷ đồng. Hai con tàu này bị lực lượng Cảnh sát biển bắt giữ vào ngày 4.10. Vụ việc kéo dài là do quá trình truy tìm chứng cứ gặp không ít khó khăn, vì liên quan đến yếu tố nước ngoài; thái độ bất hợp tác của chủ tàu.
Trước đó, giữa năm 2017, sau nhiều tháng theo dõi, tuần tra, kiểm soát tình hình mua bán, vận chuyển dầu tại vùng biển gần NMLD Dung Quất, lực lượng Công an tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện Công ty TNHH MTV cung ứng tàu biển Việt Cường (trụ sở tại thôn Đông Hòa, xã Tịnh Hòa, TP.Quảng Ngãi) thực hiện hành vi vận chuyển 50.000 lít xăng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; dùng phương tiện xăng dầu khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền... Công ty này đã bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt 200 triệu đồng và tịch thu toàn bộ 50.000 lít xăng nói trên.
Theo cơ quan chức năng, hoạt động buôn lậu, vận chuyển xăng dầu trái phép trên biển hiện tại thường được thực hiện theo các hình thức: Các chủ ghe cá mua dầu từ tàu nước ngoài với giá rẻ, rồi bán ngay cho các ghe cá khác. Các chủ tàu, DN tư nhân gom mua dầu từ các tàu vận tải, rồi bán cho các tàu cá, hoặc các đại lý xăng dầu trên bờ. Các tàu được phép bán lẻ dầu thay vì mua dầu từ đất liền, họ mua ngay của các tàu chở dầu trên biển để bán lại.
Hoạt động mua bán xăng dầu trái phép thường được các đối tượng tổ chức ở khu vực cách bờ khoảng vài chục hải lý, sau đó vận tải vào vùng nội thủy để tiêu thụ. Có nhiều tàu cá công suất nhỏ được cải hoán thành tàu dịch vụ vận tải biển, song phần lớn là để tham gia vào quá trình vận chuyển xăng, dầu trái phép trên biển.
Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác phòng, chống và ngăn chặn các hành vi vi phạm, nhưng thực tế tình trạng này chưa giảm và có diễn biến khá phức tạp. Hiện tại các phương tiện vận chuyển xăng dầu lậu đều có kết nối định vị, thiết bị ra-đa có thể phát hiện lực lượng theo dõi từ xa, để tìm cách lẩn trốn. Các lao động trên tàu dùng điện thoại liên lạc với các đối tượng trong đường dây, tìm mọi cách để qua mặt cơ quan chức năng.