(Báo Quảng Ngãi)- Sau lũ, người dân vùng lũ đã được các cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể, tổ chức xã hội hỗ trợ kịp thời, nhưng chặng đường mưu sinh phía trước của người dân chắc chắn còn lắm khó khăn.
Gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt sau khi đi kiểm tra cuộc sống người dân ở các khu dân cư về, Chủ tịch UBND xã Bình Minh (Bình Sơn) Võ Đức Diên vẫn không thể nở nụ cười, mặc dù lũ đã rút. Ông Diên thở dài: Hôm qua, trời ửng nắng, còn nay (8.11) thì mưa trở lại. Nông dân mình giờ đây khó khăn trăm bề, vì không chỉ lo cái ăn cho bản thân mà còn cả gia súc, gia cầm, trong khi rau cỏ bùn non phủ đầy...
Gồng mình gượng dậy sau lũ
Đợt lũ vừa qua xã Bình Minh có 1.500 hộ dân bị ngập sâu từ 1 - 3m nước, nặng nhất là thôn Tân Phước Đông, Tân Phước, Mỹ Long và Lộc Thinh. Trên địa bàn có hàng trăm hécta hoa màu bị hư hại; hàng chục con bò, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi; hàng trăm tấn lúa gạo, bắp bị ướt, nên giờ chỉ biết cho gia súc, gia cầm ăn... Ngày 8.11, tuyến đường độc đạo dẫn vào xã còn đầy bùn đất dày từ 5 - 20cm, khiến cho việc đi lại gặp nhiều khó khăn, mặc dù có lực lượng xung kích khắc phục, nhưng vẫn chưa xong.
Người dân xã Bình Minh (Bình Sơn) phơi thóc với hy vọng vớt vát được ít nào hay ít đó. Ảnh: Bá Sơn |
Tiếp xúc với chúng tôi, anh Lê Bình ở đội 3, thôn Tân Phước, nói với giọng đượm buồn, anh Bình kể: Hàng chục bao lúa, bắp; ti vi, tủ lạnh... đã đưa lên gác rồi, nhưng nước lũ vẫn không tha, ngập cả nóc nhà. Hôm qua, trời ửng nắng chưa kịp hong số lúa, bắp bị ướt thì nay trời lại mưa. Trong khi nhiều bao lúa, bắp chuẩn bị nảy mầm... Trời mưa kéo dài kiểu này thì nông dân và gia súc, gia cầm sẽ đói thôi. Đó cũng là nỗi niềm chung của nhiều người dân vùng lũ trong tỉnh.
Cùng cảnh ngộ với anh Bình còn có gia đình bà Huỳnh Thị Biết. Tài sản, gia súc, gia cầm của bà đều trôi theo dòng nước lũ, giờ chỉ còn lại bùn đất bủa vây từ trong nhà đến ngoài vườn. Để có tiền đi chợ mua thức ăn hằng ngày, nhiều gia đình phải vay mượn người thân. Nhưng đến chợ thì cũng không có gì để mua; rau xanh, thực phẩm khan hiếm, giá cả đắt đỏ...
Khôi phục sản xuất
Sau khi lũ rút, nông dân huyện Nghĩa Hành nói chung, xã Hành Tín Tây nói riêng đã ra đồng khôi phục lại rau màu với mong muốn sớm ổn định cuộc sống. Ông Lê Văn Thịnh, ở thôn Tân Phú 1, xã Hành Tín Tây, cho biết: Trận lũ đêm 6.11 đã tàn phá nặng nề. Vốn liếng hai vợ chồng dành dụm bao lâu nay đã bị lũ cuốn trôi hết. Mua bao gạo ăn dự trữ lũ cũng bị nhấn chìm, hư hỏng sạch. Vì vậy, sau khi lũ rút, vợ chồng tranh thủ khôi phục lại một số diện tích hoa màu vụ đông.
Nông dân ra đồng khôi phục vùng chuyên canh chuối ngự ở xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) bị thiệt hại trong lũ. Ảnh: NT |
Còn ông Tô Văn Tư ở thôn Nguyên Hòa, xã Hành Tín Đông, nước lũ vừa rút, ông liền ra chăm lại vườn chuối của gia đình hơn 2,7ha. Ông Tô cho biết, hơn 2 tháng qua, vườn chuối của gia đình ông cho thu nhập hơn 20 triệu đồng. "Vậy nên, giờ phải khôi phục lại thôi. Nếu không cuộc sống gia đình sẽ khó khăn", ông Tư bộc bạch. Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Đào Thanh Công cho biết, toàn xã có hơn 30ha chuối ngự, là vùng chuyên canh chuối ngự duy nhất của huyện Nghĩa Hành. Sau khi trời hanh nắng, nông dân đã ra đồng chằng chống những cây chuối bị ngả, khai thông cống rãnh để ruộng chuối không bị ngập úng và tăng cường chăm sóc, giúp chuối sớm phục hồi sinh trưởng.
Ở xã Đức Phong (Mộ Đức), dù nước lũ đã rút gần 2 ngày, nhưng một số hộ dân vùng trũng thấp ở KDC 37, thôn Văn Hà vẫn còn ngập trong nước. Để di chuyển được trong vườn nhà, hai vợ chồng bà Đào Thị Giao vẫn phải dùng ghe. Bà Giao cho biết: “Nước lũ dâng vào gần nửa nhà, giờ nước đã rút, nhưng vẫn còn ngập sâu ngoài sân gần 1m. Hơn 2 sào bắp tỉa hơn một tháng đã bị hư hoàn toàn. Còn 1 sào rau lang, rau cải trong vườn thì ngập trong nước gần 1 tuần nay. Chờ vài ngày nước rút hết, vợ chồng tôi mới có thể dọn lại vườn và ươm trồng lại hoa màu. Chúng tôi rất mong được các cấp hỗ trợ giống, phân bón để có thể bắt đầu gieo trồng lại vụ mới.
B.SƠN- N.TRIỀU-H.THU