Cải cách hành chính- nhìn từ các dự án đầu tư

01:11, 29/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cải cách hành chính (CCHC), đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành… để thu hút đầu tư là mục tiêu xuyên suốt được Tỉnh ủy khóa XIX chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong 2 năm qua. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

TIN LIÊN QUAN

Chỉ số PAR INDEX của tỉnh hàng năm đều giảm, năm 2016 tuy có tăng một bậc so với năm 2015, nhưng thuộc nhóm thấp nhất trong cả nước (xếp 59/63 tỉnh, thành phố); chỉ số PAPI của tỉnh không ổn định, năm 2016 tăng 41 bậc so với năm 2015 (xếp 21/63 tỉnh, thành phố) nhưng một chỉ số nội dung xếp ở vị trí thấp trong cả nước; chỉ số PCI cấp tỉnh năm 2016 giảm 11 bậc so với năm 2015 (xếp 26/63 tỉnh, thành phố). Tình hình này trong năm 2017 chắc chắn có những chuyển biến tích cực, nhưng cũng sẽ không đáp ứng được sự kỳ vọng mà tỉnh đề ra.

  Minh chứng cho những hạn chế đó được thể hiện qua Dự án (DA) đầu tư xây dựng Khu xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1592/QĐ-UBND ngày 31.8.2016. DA này được Bộ Y tế và UBND tỉnh Quảng Ngãi ký thỏa thuận tài trợ số 67/BYT-TTTT ngày 08.12.2016. Kinh phí thực hiện DA được sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới kết hợp với vốn đối ứng của địa phương. DA được giao cho Sở Y tế làm chủ đầu tư; xây dựng tại Khu bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ (thuộc địa phận xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành).

Tổng diện tích được triển khai 8.000m2, công suất xử lý 800kg rác/ngày chất thải rắn y tế nguy hại và xử lý nước rỉ rác: 250 m3 ngày/đêm. Tổng mức đầu tư DA gần 90 tỷ đồng (vốn vay của Ngân hàng Thế giới hơn 63 tỷ đồng, ngân sách tỉnh gần 27 tỷ đồng). Thời gian thực hiện DA từ năm 2016 và dự kiến đến 2018 hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Mặc dù UBND tỉnh có những chỉ đạo quyết liệt, nhưng tiến độ thực hiện DA vẫn còn chậm so với yêu cầu của Bộ Y tế, Ngân hàng Thế giới và Ban quản ý DA xử lý chất thải bệnh viện (Bộ Y tế). Do đó, ngày 24.10.2017, Bộ Y tế đã có Công văn 5998 hủy thỏa thuận tài trợ mô hình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung của tỉnh.

 Đây là một điều rất đáng tiếc, vì DA này có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và an toàn xã hội. Không những thế, khi đưa vào vận hành còn có thể tiết kiệm cho tỉnh khoảng 4,8 tỷ đồng/năm so với giá mà tỉnh phải trả cho đơn vị hợp đồng xử lý rác thải y tế nguy hại của các bệnh viện hiện nay. Trong khi đó, hiện toàn tỉnh có 10 bệnh viện được trang bị lò đốt tại chỗ, nhưng nhiều lò đã xuống cấp, không đảm bảo yếu tố môi trường khi hoạt động. Để có cơ sở xin tiếp tục được triển khai DA, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng yêu cầu Sở Y tế phải chủ động làm việc với các sở, ngành, địa phương và Trung ương để báo cáo giải trình những việc tỉnh đã làm trong thời gian qua; cùng với đó là cam kết xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện DA một cách chi tiết.

Hay như DA Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Nghĩa Kỳ do Công ty CP Đầu tư và Phát triển xây dựng Miền Bắc đầu tư gần 300 tỷ đồng, với quy mô xử lý 250 tấn rác/ngày, diện tích 12 ha, được UBND tỉnh cho đầu tư năm 2016, nhưng đến nay tiến độ vẫn ì ạch, dẫn đến có nguy cơ “bí” nơi xử lý rác thải của TP.Quảng Ngãi và các huyện lân cận, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2018 sắp đến. Còn DA xử lý rác thải rắn Đồng Nà (TP.Quảng Ngãi), do Công ty Thương mại và Dịch vụ Bắc Giang đầu tư 85 tỷ đồng trên diện tích 5ha, công suất 200 tấn/ngày, dự kiến tháng 4.2018 đưa vào hoạt động, nhưng đến nay cũng không thực hiện…

Thực trạng đó đang là thách thức cho công tác điều hành của lãnh đạo tỉnh, vì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư của tỉnh. Vì thế, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 12 về tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC; nâng cao chỉ số CCHC (PAR INDEX), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2017-2020. Tin rằng, với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2017 và những năm đến.

ĐỨC NGUYỄN
 


.