Cần chung tay giúp đỡ nạn nhân da cam

07:10, 21/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kinh phí tài trợ cho hoạt động của các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (CĐDC) trong tỉnh những năm qua, chủ yếu từ vận động, kêu gọi hỗ trợ. Tuy nhiên, gần đây công tác vận động hỗ trợ trở nên khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh Đào Đình Hùng, cho biết: Là hội đặc thù, nhưng cách vận động cũng như nhiều hội từ thiện khác thông qua thư kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, nhưng trên địa bàn tỉnh số lượng doanh nghiệp lớn ít; các tổ chức nước ngoài đến với Quảng Ngãi thông qua hoạt động an sinh xã hội cũng không nhiều... nên nguồn quỹ vận động trung bình mỗi năm chỉ được hơn 1 tỷ đồng, dù vậy cũng không ổn định.

Trao học bổng cho con cháu nạn nhân chất độc da cam vượt khó, vươn lên trong học tập.
Trao học bổng cho con cháu nạn nhân chất độc da cam vượt khó, vươn lên trong học tập.


Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có nạn nhân CĐDC nhiều nhất nước, nên cần nguồn kinh phí hỗ trợ rất lớn. Hằng năm, Hội thường kêu gọi ủng hộ vào 2 dịp chính là ngày thảm họa da cam Việt Nam (10.8) và Tết Nguyên đán. Ngoài ra, cán bộ hội còn trực tiếp đến các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để vận động.

Toàn tỉnh hiện có trên 23.000 người bị nhiễm và phơi nhiễm CĐDC/dioxin. Trong đó, chỉ có 5.700 người được hưởng chế độ. Gần 3.500 người mắc bệnh phải điều trị; trong đó, có hàng trăm người mắc bệnh nan y và bệnh hiểm nghèo; gần 2.000 người cần được phục hồi chức năng, nuôi dưỡng tập trung, học nghề và giải quyết việc làm. Trên 5.000 gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với 2-3 người con bị dị dạng, dị tật bẩm sinh cần được hỗ trợ...

Hiện nay, chỉ có 3 tổ chức nước ngoài hỗ trợ định kỳ hằng năm cho nạn nhân CĐDC trên địa bàn tỉnh là Mennonite Central Committee (MCC), Madison Quakers (MQI) và Hội những người Nhật Bản yêu Việt Nam tỉnh Shizuoka. Trong đó, MCC hỗ trợ 2 chương trình ngân hàng bò và phục hồi chức năng cho nạn nhân CĐDC, với kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng/năm, thực hiện trong giai đoạn 2015-2020; hai tổ chức còn lại chỉ hỗ trợ mỗi năm trên dưới 60 triệu đồng.

Kinh phí vận động được, ngoài việc chi hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ xây dựng nhà, tặng quà, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, mỗi năm, Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh còn phải trích kinh phí vận động trên 100 triệu đồng để chi cho hoạt động của Trung tâm Phục hồi chức năng cho Nạn nhân CĐDC Nghĩa Thắng, hiện đang nuôi dưỡng 10 cháu.

Là một trong những hội cơ sở có số tiền vận động cao trong tỉnh, nhưng Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC TP.Quảng Ngãi Trần Thị Ngọc Lan, cho biết: Có 2 vấn đề mà chúng tôi thường gặp phải trong công tác vận động. Đó là, các doanh nghiệp, đơn vị đứng chân trên địa bàn, do khó khăn chung của tình hình kinh tế, nên việc quyên góp ủng hộ cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Không chỉ vậy, một bộ phận người dân cho rằng, đã có quá nhiều cuộc vận động hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn, nên họ không hưởng ứng việc hỗ trợ nạn nhân CĐDC.

“Hiện nay, những người làm việc trực tiếp tại các cấp Hội Nạn nhân CĐDC trên địa bàn tỉnh là cán bộ hưu trí, nên ít nhiều cũng bị ảnh hưởng do tuổi tác, sức khỏe. Tại các huyện miền núi, lực lượng cán bộ hội trẻ thì thường xuyên luân chuyển công tác... Mỗi cấp hội cơ sở chỉ có 2 người, nên không đủ lực trong công tác vận động”, ông Đào Đình Hùng cho biết thêm.

Để công tác vận động hỗ trợ nạn nhân CĐDC có sự hưởng ứng từ các tổ chức, cá nhân, cần có sự trợ lực của chính quyền các cấp, các ngành trong tỉnh. Cùng với đó là tăng cường vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau da cam bằng những việc làm thiết thực, giúp nạn nhân CĐDC vơi bớt khó khăn và có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.


Bài, ảnh: VŨ YẾN
 


.