(Báo Quảng Ngãi)- Những tưởng việc làm của họ bình dị, nhưng ẩn chứa trong ấy là cả một tình thương bao la, một nghĩa cử cao thượng... mà không phải ai cũng có thể làm được.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những tấm gương bình dị ấy đã giúp cho cuộc đời đơm hoa kết trái, như dòng nước mát nuôi dưỡng tâm hồn con người.
Điểm tựa cho trẻ mồ côi
Nằm trong con hẻm nhỏ, chùa Phổ Quang ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) có vẻ ngoài tĩnh lặng như nhiều ngôi chùa khác mà chúng tôi có dịp ghé thăm. Nhưng bên trong ngôi chùa này thì khác hẳn, xen lẫn tiếng kinh Phật là tiếng nô đùa của các em nhỏ, tiếng khóc của các bé sơ sinh... khiến những ai đến đây cũng ngỡ ngàng, xúc động.
Sư cô Thích nữ Uyên Liên (bên trái). |
Ngôi chùa này là "cái nôi" yêu thương, nuôi dưỡng ước mơ của hơn 40 trẻ mồ côi. Các em được chăm sóc trong vòng tay yêu thương của trụ trì chùa là sư cô Thích Nữ Uyên Liên chỉ mới hơn 40 tuổi. “Mỗi con mỗi hoàn cảnh, nhiều trường hợp bị bỏ rơi khi vừa lọt lòng mẹ. Như bé Nguyễn Lê Mỹ Yên, nay đã gần 12 tháng tuổi. Lúc bấy giờ, sư đang đọc kinh thì các con chơi phía trước chạy vào bảo trước cổng chùa có tiếng khóc. Sư đi ra thì phát hiện trong thùng giấy là một bé gái vừa sinh liền ẵm vào đưa đến bác sĩ khám, rồi đưa về chùa nuôi từ đó đến giờ", sư cô Thích Nữ Uyên Liên kể.
Ngày càng có nhiều con người lặng lẽ làm những việc có ích cho đời, cho xã hội. Họ xứng đáng được biểu dương, nhân lên những tấm lòng tốt và sự tử tế ngày càng nhiều trong xã hội, như lời Bác Hồ từng căn dặn: Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong lòng mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. |
Sư cô Uyên Liên xuất gia năm 1995, quê ở huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Với tâm nguyện của người xuất gia, sư cô luôn mong muốn được chăm sóc, chia sẻ với những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh. Năm 2005, sư cô bắt đầu chăm sóc, nuôi dưỡng đứa trẻ mồ côi cha mẹ đầu tiên ở huyện Bình Sơn.
Ngày tháng thoi đưa, đến nay đã 12 năm. Những ngày đầu tiếp nhận, nuôi các em vô vàn khó khăn, nguồn trợ giúp có hạn, sư cô vừa lo từng giọt sữa cho những đứa trẻ sơ sinh, chạy từng bữa cơm, rồi dành cả thời gian túc trực bên giường bệnh khi có bé ốm đau khiến sư cô có lúc gần như kiệt sức. “An ủi cho sư là các con đều chăm ngoan.
Đến nay, đã có 16 em được sư nuôi học hết bậc phổ thông, rồi đến trung cấp, cao đẳng, đại học Phật giáo. Hiện nay, có 5 cháu đang đi học ở xa. Còn lại 27 cháu đang ở chùa. Hằng ngày, các con lớn giúp cô chăm các em nhỏ. Thấu cảm với tấm lòng của sư Liên, nên ngày càng có nhiều người đến ủng hộ, tham gia cùng sư chăm sóc các con", sư cô Uyên Liên cho hay.
Ươm mầm cho những mảnh đời bất hạnh
Từ ngày cha, rồi mẹ mất, ngôi nhà của 3 chị em Lương Thị Mỹ Duyên, Lương Thị Đông Hải, Lương Công Na, ở thôn Tình Phú Nam, xã Hành Minh (Nghĩa Hành) trở nên vắng vẻ. Năm 2012, mẹ của các em bị phát hiện ung thư giai đoạn cuối, nên mọi việc trong gia đình đều do ba các em gồng gánh. Nhưng rồi do làm việc quá sức nên bố các em ra đi đột ngột, người mẹ cũng qua đời sau đó một năm.
Lúc bấy giờ, cháu lớn nhất 12 tuổi, cháu bé nhất mới 8 tuổi phải tự nương tựa vào nhau để sống, do hai bên nội ngoại không còn, họ hàng thì ở xa, nghèo khó nên cũng không giúp được gì. Chứng kiến cảnh đau lòng đó, Hiệu trưởng Trường THCS Hành Minh Trần Quang đã nhận nuôi và chăm sóc 3 em từ đó đến giờ.
Thầy giáo Trần Quang. |
Nói về việc làm của mình, thầy Trần Quang chia sẻ: Ai trong hoàn cảnh này cũng đều làm như vậy. Đồng lương nhà giáo không nhiều, nhưng với các em lúc bấy giờ một đồng cũng là quý rồi, vì các em đều trong tuổi ăn học, nên gia đình chia sẻ với các em một ít. Thấy được việc làm ý nghĩa của thầy Quang, thế là cả Hội đồng sư phạm Trường THCS Hành Minh cũng đã chung tay tiếp sức cho các em tiếp tục đến trường nuôi dưỡng ước mơ. Từ số tiền ủng hộ cho các em, thầy Quang đã mở tài khoản cho 3 chị em. Mỗi ngày, thầy Quang trích 50.000 đồng cho các em mua đồ ăn, còn gạo thầy đi xin của những nhà hảo tâm.
Không phụ lòng thầy Quang, các em đều chăm ngoan, cố gắng bảo ban nhau học tập, dọn dẹp nhà cửa. Hiện em Lương Thị Mỹ Duyên vào học lớp 9, em Lương Thị Đông Hải vào lớp 7 và em Lương Công Nam vào lớp 5. Em Lương Thị Mỹ Duyên bộc bạch: Thầy Quang là điểm tựa cho chúng con nuôi dưỡng ước mơ được tiếp tục đến trường, để sau này có thể tự lo cho bản thân. Tấm lòng của các thầy cô và các nhà hảo tâm sẽ là hành trang theo mãi chúng con trong chặng đường phía trước.
Một trái tim hồng
Giữa năm 2016, ông Võ Ngọc Nga, ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) phát hiện bị bệnh ung thư máu và cần rất nhiều máu để truyền, nhưng lượng máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh không đủ đáp ứng nhu cầu. Biết được điều này, Bí thư đoàn thôn Diên Niên, xã Tịnh Sơn Trương Cao Tâm - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Hãy gọi cho tôi” cùng với một số đoàn viên thanh niên trong thôn liền đến bệnh viện để cho máu. Bà Đỗ Thị Mai Lào, vợ ông Nga xúc động nói: Nhờ những giọt máu nghĩa tình này mà ông nhà tôi có cơ may chuyển ra Huế, để tiếp tục điều trị. Sống trên đời này cần lắm những tấm lòng như thế.
Anh Trương Cao Tâm. |
Năm 2.000, anh Tâm xuất ngũ về tham gia công tác đoàn tại địa phương và luôn tích cực tham gia phong trào hiến máu tình nguyện do Huyện đoàn Sơn Tịnh tổ chức. Với những trường hợp cấp cứu cần máu, tiểu cầu gấp, anh Tâm không quản ngại khó khăn về thời tiết hay đêm hôm để đến hiến máu. Đến nay, anh Tâm đã có 16 lần hiến máu, trong đó 3 lần hiến tiểu cầu trực tiếp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Anh Tâm chia sẻ: Lúc đầu tham gia tôi cũng lo lắng lắm, nhưng rồi sau đó cũng quen dần. Tôi hiểu rằng, “khi giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại”, nên tôi tích cực tham gia và vận động các bạn đoàn viên thanh niên trong thôn và nhân dân tham gia.
CLB mang tên “Hãy gọi cho tôi” do anh Trương Cao Tâm làm Phó Chủ nhiệm ra đời cũng xuất phát từ suy nghĩ giàu lòng nhân ái đó. Đến nay, thành viên CLB đã gần 50 người, trong đó có nhiều người lớn tuổi cũng hăng hái tham gia. Từ việc làm của CLB mà bây giờ nhiều người dân ở Tịnh Sơn cũng tình nguyện theo chân các bạn trẻ đi hiến máu cứu người.
Bài, ảnh: THANH THUẬN