(Baoquangngai.vn)- Nguồn lợi thủy hải sản ven bờ ở huyện đảo Lý Sơn khá phong phú và đa dạng, tuy nhiên, thời gian qua, không ít những ngư dân dùng các hình thức đánh bắt trái phép, mang tính “hủy diệt” cao đã khiến cho nguồn lợi này đã và đang có nguy cơ bị suy giảm nghiêm trọng.
TIN LIÊN QUAN
Súng xung điện tận diệt cá, tôm
Hiện Lý Sơn có trên 420 phương tiện tàu cá, với tổng công suất trên 60 ngàn CV, trong đó có gần 100 phương tiện có công suất dưới 45 CV trở xuồng. Tàu công suất nhỏ nên các ngư dân chỉ đánh bắt ven bờ để mưu sinh. Tuy nhiên, bên cạnh những hình thức đánh bắt hợp pháp thì có không ít ngư dân vẫn lén lút sử dụng các hình thức đánh bắt trái phép như sử dụng lưới mắt nhỏ, thuốc nổ, súng xung điện,... Đặc biệt, thời gian gần đây trạng ngư dân sử súng xung điện để khai thác hải sản diễn ra khá nhiều.
Thời gian qua, lực lượng chức năng trên huyện đảo Lý Sơn đã tiến hành tuần tra kiểm soát và xử lý nhiều trường hợp sử dụng súng xung điện để khai thác trái phép hải sản ven bờ. Mới đây nhất, tổ tuần tra Đồn Biên phòng Lý Sơn đã phát hiện, bắt giữ và tiến hành lập biên bản vi phạm, xử lý tàu cá của ngư dân Nguyễn Quốc Khánh (1980) có công suất dưới 30CV và tàu cá của ngư dân Đinh Văn Sáu (cùng trú thôn Tây, xã An Vĩnh) cùng nhiều lao động đi trên tàu sử dụng súng điện để đánh bắt hải sản.
Công an xã An Hải thu giữ 4 cây súng xung điện của ngư dân dùng để đánh bắt thủy sản trái phép |
Trước đó, rạng sáng ngày 17.8, Công an xã An Hải phối hợp với Trạm Cảnh sát biển Lý Sơn trong khi đi tuần tra kiểm soát cũng đã phát hiện và xử lý 2 tàu cá, công suất dưới 30 CV cùng 7 ngư dân, do ông Trương Đình Dũng và Nguyễn Báy (trú ở thôn Đông xã An Hải) làm chủ đang sử dụng súng điện để khai thác hải sản trái phép.
Làm việc với cơ quan chức năng, 2 chủ tàu cá khai nhận đã nhiều lần dùng súng điện do Trung Quốc sản xuất được mua tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn để khai thác thủy sản trái phép tại các gành san hô ven đảo.
“Thấy nhiều người sử dụng súng xung điện đánh bắt hiệu quả, nên tôi bàn với anh em đi cùng tàu vào xã Bình Châu, huyện Bình Sơn mua 2 súng xung điện với giá 1,4 triệu đồng do một người lạ bán về sử dụng từ tháng 5.2017. Trung bình mỗi đêm ra khơi, tàu khai thác được khoảng 100kg cá các loại. Trong đó phần lớn là các loại hải sản có giá trị kinh tế cao như cá mú, tà ma, chình biển…”- ông Trương Đình Dũng ở xã An Hải khai tại buổi làm việc với Công an xã An Hải.
Cũng theo ông Dũng, do thấy nhiều người sử dụng nên mua về dùng chứ bản thân không hề nghĩ đến tác hại của nó cũng như không biết việc đánh bắt bằng hình thức xung điện bị cấm.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, súng xung điện được “vận hành” thông qua luồng điện từ máy phát điện trên tàu bằng dây dẫn hàng chục mét nối với súng. Khi đến địa điểm khai thác, một người mang dụng cụ thở và súng xung điện lặn xuống biển, người bên trên mở máy phát điện. Khi lặn xuống gặp cá, tôm…ngư dân cầm súng chỉ cần bóp cò súng để kích điện.
Dòng điện truyền qua dây dẫn đến súng, phóng xa từ 3 - 4m, tỏa ra bán kính rộng dưới nước. Bất cứ cá, tôm dùng lớn hay bé khi trúng luồng điện thường chết lâm sàng, nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Ngư dân cứ vậy vớt lên mà không mảy may gây tiếng động lớn.
Trung tá Hoàng Minh Thụ- Trưởng Công an xã An Hải cho biết, đây là cách thức đánh bắt mang tính hủy diệt rất cao, không chỉ tận diệt cá, tôm mà các rạng san hô cũng bị ảnh hưởng, thậm chí bị chết do dòng điện từ súng điện tác động vào.
Với tính đánh bắt mang tính hủy diệt cao như vậy, thế nhưng với việc tiếp thu kiến thức pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn hạn chế của ông Dũng cũng như nhiều ngư dân khác ở huyện đảo Lý Sơn đã sử dụng hình thức đánh bắt trái phép này theo kiểu “ăn xổi, ở thì” đã khiến cho nhiều loại hải sản có giá trị cao gần bờ đã và đang bị khai thác cạn kiệt.
Cần phối hợp đồng bộ
Vùng biển Lý Sơn có độ đa dạng sinh học cao với các hệ sinh thái điển hình như rạn san hô, thảm cỏ biển với trên 700 loài động thực vật biển được xác định. Trong đó có 157 loài san hô, 202 loài cá biển, 137 loài rong biển, 96 loài giáp xác, 40 loài da gai, 6 loài cỏ biển....
Ngoài ra còn có 25 loài nằm trong danh mục các loài thuỷ sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố năm 2008. Đây là nơi đã chứng kiến sự tồn tại và mất đi của nhiều loài sinh vật quý hiếm như san hô đen, hải sâm, tôm hùm, trai tai tượng...
Song, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trong những năm gần đây độ đa dạng sinh học ở vùng biển ven đảo Lý Sơn đang dần bị suy giảm nghiêm trọng, nguy cơ nguồn lợi thủy sản suy giảm ngày càng cao bởi tình trạng đánh bắt thủy sản quá mức và bằng phương tiện mang tính hủy diệt như thuốc nổ, hóa chất xyanua, súng điện...
Cần tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để mọi người dân cùng tham gia bảo tồn, phát triển hệ sinh thái biển, bảo vệ tốt môi trường biển và nguồn lợi hải sản ven bờ ở huyện đảo Lý Sơn |
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết: Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, trong thời gian tới, huyện Lý Sơn sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng của huyện tăng cường phối hợp các lực lượng liên quan tổ chức tuyên truyền cho bà con ngư dân về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, huy động sự tham gia của người dân trong việc bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài hải sản sinh sống gần bờ; đồng thời tăng cường công tác phối hợp tuần tra kiểm soát trên biển, xử lí nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản.
Cùng với đó, huyện cũng đang nghiên cứu xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề khai thác ven bờ kém hiệu quả gây xâm hại cho nguồn lợi, không thân thiện với môi trường sang các nghề thích hợp khác có hiệu quả hơn mà lại thân thiện với môi trường.
Thiết nghĩ, để bảo tồn, phát triển hệ sinh thái biển, bảo vệ tốt môi trường biển và nguồn lợi hải sản ven bờ ở huyện đảo Lý Sơn; đồng thời tạo đà phát triển du lịch địa phương, cùng với công tác tuyên truyền sâu rộng tới bà con ngư dân làm nghề bám biển về những quy định của nhà nước, thì cần phải có những biện pháp mạnh, xử lí nghiêm những vi phạm trong đánh bắt. Đặc biệt, cần ưu tiên giải quyết "bài toán" sinh kế cho ngư dân đánh bắt ven bờ, bởi đây là yếu tố tiên quyết để Khu bảo tồn biển Lý Sơn được thực hiện thành công.
H.P