(Báo Quảng Ngãi)- Những nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam đã phải gánh chịu nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần. Nỗi đau ấy tưởng chừng chẳng thể vượt qua, nhưng họ vẫn vươn lên, hòa nhập với cộng đồng bằng nghị lực và sự lạc quan.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những ngày đầu tháng 8, cả nước hướng về các nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) với tất cả tình yêu thương và sự sẻ chia. Đến thăm gia đình NNCĐDC, chúng tôi không kìm nén được lòng mình trước nỗi đau quá lớn mà họ phải gánh chịu bởi chiến tranh. Và, điều khiến chúng tôi cảm phục ở NNCĐDC là nghị lực và khát vọng sống.
Chị Huỳnh Thị Huệ phụ mẹ cắt rau để mang ra chợ bán. |
Nói đến nỗi đau da cam, cựu chiến binh Bùi Hữu Tồn (87 tuổi), ở thôn Tân Hòa, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành), tâm sự: "Phải chấp nhận hiện thực để sống và vươn lên. Mình phải mạnh mẽ vượt qua khó khăn như những ngày được tôi luyện ở chiến trường". Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, ông Tồn trực tiếp bị ảnh hưởng chất độc da cam. Trong số 4 người con của ông, người con gái út cơ thể không được lành lặn, do bị ảnh hưởng chất độc gián tiếp từ bố.
"Phải chấp nhận hiện thực để sống và vươn lên. Mình phải mạnh mẽ vượt qua khó khăn như những ngày được tôi luyện ở chiến trường". Cựu chiến binh BÙI HỮU TỒN (87 tuổi), ở thôn Tân Hòa, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành). |
Bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, ông Tồn thường xuyên bị những cơn đau hành hạ. Năm 2010, di chứng của chất độc da cam đã phát sinh thêm bệnh và buộc ông phải cắt bỏ 3/4 bao tử. Nhưng với bản chất của người lính Cụ Hồ, ông đã không chùn bước trước những khó khăn. Vợ chồng ông đã tích cực lao động để có tiền trang trải cuộc sống. Giờ đây, ông Tồn sở hữu 350 gốc tiêu đã cho thu hoạch.
Không những vậy, ông Tồn còn đầu tư chăn nuôi bò, ước tính cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm từ trồng trọt, chăn nuôi. Giờ đây, cuộc sống gia đình ông Tồn đã qua đi nỗi nhọc nhằn, nhưng nỗi đau chất độc da cam/dioxin thì vẫn còn đó. Ông Tồn tâm sự: “Dù thân thể mình có mang di chứng chất độc da cam tôi cũng cam chịu, nhưng các con có tội tình chi đâu cũng gánh lấy tật nguyền suốt đời. Phận làm cha mẹ, tôi đau xót lắm".
Ông Bùi Hữu Tồn, ở thôn Tân Hòa, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) đang chăm sóc vườn tiêu. |
Gia đình bà Nguyễn Thị Thoa ở tổ dân phố 5, thị trấn Đức Phổ cũng đang hằng ngày gánh chịu nỗi đau bởi chất độc da cam. Vợ chồng bà Thoa có 2 người con, người con gái đầu là Huỳnh Thị Huệ bị teo cơ, tay chân phát triển không đều, khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Lúc đầu, vợ chồng bà Thoa dẫn con đi chạy chữa khắp nơi, mãi về sau mới biết do di chứng của chất độc da cam. Trong những năm tháng kháng chiến, bố của chị Huệ đã bị ảnh hưởng chất độc da cam do quân đội Mỹ rải xuống chiến trường miền Nam.
Chị Huệ năm nay đã 40 tuổi. Không đầu hàng số phận, chị đã vươn lên trong cuộc sống bằng nghị lực và sự lạc quan. Mỗi buổi sáng, chị phụ mẹ gánh rau ra chợ bán. Thu nhập không cao, nhưng chi tiêu tiết kiệm cũng đủ lo cái ăn hằng ngày. Chị Huệ cho biết, có những hôm cơ thể đau nhức, nhưng chị vẫn cố gắng phụ mẹ. Chị Huệ không nói được nhiều, nhưng chị hiểu được những gì mình đang làm, để không là gánh nặng cho gia đình và xã hội, và đối với chị đó cũng là niềm vui trong cuộc sống. Bà Thoa tâm sự: "Mỗi ngày nhìn thấy con gái lạc quan, tươi cười, vợ chồng tôi cũng phần nào an lòng. Nỗi đau của chiến tranh là vậy, đành nén nỗi đau để bước tiếp trong cuộc sống".
Nỗi đau gây nên bởi chất độc da cam, khiến nhiều thế hệ phải gánh chịu. Dẫu vậy, nhiều NNCĐDC đã mạnh mẽ vươn lên với khát vọng sống vô cùng mạnh mẽ.
Bài, ảnh: TRUNG ÂN