Sớm giải quyết những tồn tại ở Dự án cảng cá Sa Kỳ

08:07, 04/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dự án Cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ, ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) được nghiệm thu, bàn giao cho Ban quản lý (BQL) các Cảng cá Quảng Ngãi đưa vào hoạt động gần hai năm, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện xong việc đền bù, gây bức xúc trong nhân dân.

TIN LIÊN QUAN


Chưa bồi thường đã san ủi

Dự án Cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ được Bộ NN&PTNT phê duyệt năm 2008, với diện tích 60.000m2. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, chủ đầu tư chưa làm hết trách nhiệm, nên đến nay vẫn còn 6 gia đình chưa được đền bù. Cụ thể là hộ bà Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Thị Thuận, Võ Thành Thống, Lê Văn Phụng... đều ở thôn An Kỳ, đều bị mất đất, nhưng chưa được bồi thường, hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thị Mận được bà Nguyễn Thị Thuận ủy quyền khiếu nại, bức xúc: Năm 2010, các cơ quan chức năng của huyện Sơn Tịnh và chủ đầu tư đi kiểm kê bồi thường cây cối, hoa màu trên diện tích 1.418m2 của gia đình tôi. Kiểm kê xong, nhưng không thực hiện bồi thường, mà san ủi cây cối, hoa màu của gia đình. Gia đình tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi các cấp chính quyền và BQL các cảng cá giải quyết, nhưng đến nay các bên cứ đùn đẩy qua lại.

Công ty TNHH thủy sản Diễm Hưng đã được cho thuê 1.300m2.
Công ty TNHH thủy sản Diễm Hưng đã được cho thuê 1.300m2.


Còn ông Lê Văn Phụng thì cho biết, năm 2010, BQL các dự án đầu tư và xây dựng thủy sản, Sở NN&PTNT tiến hành xây dựng các hạng mục công trình cảng cá đã tự ý san lấp toàn bộ 500m2 đất sản xuất, hoa màu và 1.876m2 hồ nuôi tôm của gia đình. “Khi thực hiện dự án, chủ đầu tư không kiểm kê tài sản trên đất, không có quyết định thu hồi đất mà đã tự san ủi, khiến kinh tế gia đình tôi gặp khó khăn. Đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ vấn đề này”, ông Phụng kiến nghị.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ Võ Minh Vương cho biết, hiện còn nhiều hộ có đất, nhưng chủ đầu tư chưa đền bù, trong đó có một số diện tích chưa được kiểm kê, đo vẽ bản đồ thực trạng, nhưng đơn vị thi công đã san lấp mặt bằng. Riêng trường hợp của gia đình ông Phụng, nguyên nhân chưa bồi thường là do năm 2010 xác định các thửa đất trên là đất của UBND xã quản lý, nên không bồi thường.

Sau khi ông Phụng có đơn, xã tiến hành kiểm tra, xác minh mới phát hiện những diện tích đất trên là của gia đình ông Phụng. “Sau khi xác minh lại, xã đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng bồi thường bổ sung diện tích đất đã thu hồi; đồng thời yêu cầu ông Phụng có đơn thống nhất giữa các anh em để xác định người thừa hưởng diện tích đất trên, nhưng rồi vụ việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm”, ông Vương kể.
 

Chủ tịch UBND tỉnh đã giao cho Thanh tra tỉnh tham mưu thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra việc quản lý, sử dụng Cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ, trình UBND tỉnh quyết định trước ngày 5.7.2017.

Có phương án kinh doanh mới cho thuê

Phó Giám đốc BQL các Cảng cá Quảng Ngãi Nguyễn Bửu Gioãn thừa nhận, dự án trên còn nhiều vấn đề vướng mắc, phức tạp. Cái khó của BQL hiện nay là chưa hoàn thành công tác đền bù, thu hồi, giao đất, mặc dù dự án đã đi vào hoạt động từ hai năm qua.

Nguyên nhân, trước đây công tác đền bù, giải phóng mặt bằng do UBND huyện Sơn Tịnh và BQL các dự án đầu tư và xây dựng Thủy sản thuộc Sở NN&PTNT tỉnh thực hiện. Trong quá trình đền bù đơn vị không kiểm kê, đo vẽ bản đồ hiện trạng, phương án đền bù bị hạn chế, dẫn đến gây bất bình cho người dân.

Trong khi đó, một số hộ đến BQL các Cảng cá tỉnh xin thuê đất ở Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ để mở các dịch vụ, thì bị từ chối, khiến người dân thêm bức xúc. Ông Lê Văn Phụng nói: Gia đình tôi có 24.000m2 đất được quy hoạch làm các dự án, nay còn lại 2.400m2 sản xuất nằm trong cảng cá Sa Kỳ cũng bị thu hồi, nhưng không đền bù. Gia đình có đơn đề nghị BQL các cảng cá cho thuê lại đất để kinh doanh ổn định cuộc sống. Ngày 28.4.2017, Giám đốc BQL các Cảng cá đã làm việc và có biên bản thống nhất cho gia đình tôi thuê đất tại vị trí thuận lợi. Tuy nhiên, sau đó BQL các Cảng cá không giữ đúng cam kết, cho hộ khác thuê.

Điều đáng nói là, người dân có đất bị thu hồi xin thuê đất thì gặp khó khăn, nhưng với doanh nghiệp và một số cá nhân khác thì rất dễ. Nhiều người được thuê 3, 4 lô như: Cơ sở kinh doanh đá cây Loan Trang  thuê 2 lô mặt tiền ngay cảng cá, với chiều rộng lần lượt là 14,5m, 11m và dài 25,5m. Ngoài ra, bà Trang còn đứng tên thuê thêm 2 lô lớn khác phía trong. Chồng bà Trang là ông Trần Hùng cũng đứng tên thuê 1 lô. Ông Trần Trương (chồng bà Dương Thị Loan), đứng tên thuê 1 lô đôi. Cơ sở Tâm Thúy cũng được xét cho thuê tới 3 lô...

Trưởng Phòng Kế hoạch - Quản lý công trình BQL các Cảng cá tỉnh Nguyễn Thanh Hiền cho rằng, nguyên nhân gia đình ông Phụng chưa được thuê đất là do chưa xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, chưa xác định được lĩnh vực cần đầu tư, diện tích, mức thuế, quy mô đầu tư, thời gian xây dựng... nên BQL các Cảng cá cho Công ty TNHH thủy sản Diễm Hưng thuê phần đất dự định cho ông Phụng thuê...


Bài, ảnh: Bá Sơn

 


.