(Báo Quảng Ngãi)- Với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), tạo động lực cho kinh tế địa phương phát triển, những năm qua, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi để các DN, hộ gia đình tiếp cận với nguồn vốn vay đầu tư sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh một số DN, hộ cá nhân làm ăn hiệu quả, thanh toán nợ gốc và lãi đúng kỳ hạn, thì cũng có không ít trường hợp sử dụng vốn vay kém hiệu quả, dẫn đến mất khả năng trả nợ cho ngân hàng. Theo các ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu vẫn nằm trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, đối với ngành Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh, thì việc thi hành các bản án tín dụng ngân hàng đang là vấn đề khá nan giải từ nhiều năm nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của ngành.
Kỳ 1: Vay dễ, thu hồi nợ khó
Đó là thực trạng không lấy gì làm vui đối với Nhà máy sản xuất, chế biến lâm sản xuất khẩu Hiệp Long (Công ty TNHH Thương mại Hiệp Long, gọi tắt là Công ty Hiệp Long) tại thôn Bình An Nội, xã Bình Chánh (Bình Sơn).
Đây cũng là nỗi lo của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển (NHPT) tại Quảng Ngãi và ngành THADS tỉnh.
Liệu rằng có quá ưu ái?
Công ty Hiệp Long chính thức đưa nhà máy vào hoạt động từ tháng 10.2008, chuyên sản xuất các loại bàn ghế và các sản phẩm từ gỗ xuất khẩu sang Châu Âu và các nước trong khu vực, do ông Nguyễn Ngọc Dũng làm giám đốc. Đây là nhà máy sản xuất đồ gỗ có quy mô lớn tại KKT Dung Quất lúc bấy giờ, có dây chuyền thiết bị hiện đại, giải quyết việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng nghìn lao động địa phương.
Để đầu tư nhà máy, công ty đã ký Hợp đồng tín dụng số 16/2006/HĐTD ngày 20.6.2006 với Chi nhánh NHPT Quảng Ngãi vay 49 tỷ đồng (thời gian vay 10 năm). Phương án trả nợ từ nguồn thu của nhà máy và nguồn hợp pháp khác của Công ty Hiệp Long. Đến tháng 11.2007, công ty ký Hợp đồng tín dụng thứ 2 (HĐ số 01/2007/HĐTD- CVTĐ-PV) với Chi nhánh NHPT Quảng Ngãi vay hơn 64,5 tỷ đồng (thời gian vay 21 tháng).
|
Máy móc, thiết bị của nhà máy trị giá chục tỷ đồng giờ đã gỉ sét. |
Tìm hiểu chúng tôi được biết, trong quá trình vay và sử dụng vốn, việc trả tiền nợ gốc và lãi của công ty có dấu hiệu không bình thường. Có thời điểm, lãnh đạo và nhân viên Chi nhánh NHPT Quảng Ngãi đã phải túc trực tại nhà máy để thu nợ.
Với gói vay hơn 64,5 tỷ đồng có thời gian trả nợ trong 21 tháng, nghĩa là trung bình mỗi tháng phải trả hơn 3 tỷ đồng nợ gốc (chưa kể lãi). Tuy nhiên, công ty không trả đúng và đủ số tiền theo hợp đồng đã ký. Đến thời điểm nhà máy dừng hoạt động (4.2012), công ty mới trả được khoảng 18 tỷ, còn nợ hơn 46,5 tỷ đồng.
Còn gói vay 49 tỷ có thời gian trả nợ trong 10 năm, trung bình mỗi năm phải trả khoảng 4,9 tỷ đồng, nhưng trong 6 năm (2006-2012), công ty chỉ trả được gần 3 tỷ đồng. Thế nhưng, ngày 13.9.2009, Chi nhánh NHPT Quảng Ngãi vẫn tiếp tục ký Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số 07/2009/TDXK- NHPT cho Công ty Hiệp Long vay hơn 8 tỷ đồng (thời hạn vay 218 ngày).
Theo hợp đồng, gói tín dụng này phải hoàn trả xong trước tháng 9.2010, nhưng đến nay công ty mới trả được khoảng 2,5 tỷ đồng. Được biết, sau năm 2010, nhà máy bắt đầu hoạt động cầm chừng, đến tháng 4.2012 thì dừng hoạt động. Cũng từ đây, công ty không còn khả năng trả nợ vay cho Chi nhánh NHPT Quảng Ngãi.
Đầu năm 2013, Chi nhánh NHPT Quảng Ngãi chính thức nhận bàn giao Nhà máy sản xuất, chế biến lâm sản xuất khẩu từ Công ty Hiệp Long, để xử lý các khoản nợ. Lúc này, dù được quyền quyết định số tài sản này, nhưng mãi đến cuối năm 2014, Chi nhánh NHPT Quảng Ngãi mới khởi kiện ra tòa.
Đến cuối tháng 5.2015, TAND huyện Bình Sơn đưa vụ việc ra xét xử công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự. Đến ngày 12.10.2015, Chi cục THADS huyện Bình Sơn có Quyết định Thi hành án theo đơn yêu cầu số 09/QĐ-CCTHA.
Phó Giám đốc Chi nhánh NHPT Quảng Ngãi Hoàng Ngọc Cơ cho biết, tính đến đầu tháng 5.2017, tổng số tiền gốc và lãi mà Công ty TNHH thương mại Hiệp Long phải có trách nhiệm trả cho Chi nhánh NHPT Quảng Ngãi (tạm tính đến ngày 10.5.2017) hơn 266 tỷ đồng, trong đó nợ gốc gần 98 tỷ đồng và nợ lãi vay hơn 168 tỷ đồng.
Định giá trăm tỷ, nhưng giờ là sắt vụn
Điều đáng buồn cho Công ty Hiệp Long là, nhà máy đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nhưng chỉ sau 5 năm hoạt động giá trị tài sản còn lại rất thấp. Để có cơ sở khấu trừ nợ sau khi bàn giao tài sản cho ngân hàng, toàn bộ tài sản của nhà máy lúc bấy giờ được đưa ra thẩm định, với tổng giá trị hơn 104 tỷ đồng (theo Chứng thư thẩm định giá số 190/2013/CT-NT ngày 3.9.2013 của Công ty Cổ phần Định giá và Bán đấu giá tài sản Nhân Thành-PV).
|
Nhiều sản phẩm hoàn thiện không xuất khẩu được đã bị hư hỏng nghiêm trọng. |
Tuy nhiên, đến khi khởi kiện ra tòa và tiến hành thi hành án thì giá trị thẩm định tài sản còn lại tại thời điểm năm 2016 chỉ còn hơn 61,4 tỷ đồng (theo Thông báo số 253/CCTHA ngày 15.4.2016 của Chi cục THADS huyện Bình Sơn về kết quả thẩm định giá-PV).
Như vậy, chỉ trong vòng 3 năm, tài sản của nhà máy đã mất đi gần 40 tỷ đồng. Một cán bộ thi hành án chia sẻ, đối chiếu giữa biên bản thẩm định giá lúc Công ty Hiệp Long bàn giao tài sản cho ngân hàng với tài sản thời điểm thẩm định giá để thi hành án có sự chênh lệch rất lớn về giá trị và số lượng, chủng loại tài sản, chất lượng... Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến giá trị tài sản còn lại khá thấp.
Điều lấy làm lạ ở đây nữa là, tuy giá trị tài sản giảm xuống rất nhiều so với ban đầu, nhà máy nằm ở vị trí khá đẹp trong KKT Dung Quất, nhưng vẫn không có đối tác nào mua. Từ năm 2016 đến tháng 5.2017, Chi cục THADS huyện Bình Sơn đã 8 lần điều chỉnh giảm giá và giá trị tài sản chỉ còn hơn 28 tỷ, giảm hơn 76 tỷ đồng, nhưng vẫn không bán được.
Chứng kiến tài sản trị giá hơn trăm tỷ đồng của nhà máy đang xuống cấp từng ngày ở đây, chúng tôi không khỏi xót xa. Khung trần nhà xưởng đã và đang bị sụp đổ; thiết bị máy móc giờ chỉ còn là “đống sắt vụn”; hàng chục bi gỗ lớn cỡ hai người ôm đã bị mục nát; một số sản phẩm chế biến thành phẩm cũng bỏ lăn lóc... Vì chưa bán được tài sản, nên từ tháng 2.2016, THADS Bình Sơn đã phải thuê người bảo vệ, với số tiền 35 triệu đồng/tháng.
Về giải pháp phối hợp thu hồi nợ, Phó Giám đốc Chi nhánh NHPT Quảng Ngãi Hoàng Ngọc Cơ cho biết: Chi nhánh có kiến nghị UBND tỉnh, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, cơ quan xúc tiến đầu tư hỗ trợ tác động với các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư tại KKT Dung Quất để mua lại tài sản gắn liền trên đất. Đồng thời kiến nghị Cơ quan THADS và các cơ quan chức năng hỗ trợ truy tìm nguồn thu khác của Công ty Hiệp Long, để thu hồi nợ vay.
Năm 2010, Công ty Hiệp Long đã thế chấp hàng hóa để vay tại Vietinbank Quảng Ngãi, với số tiền 1 tỷ đồng. Nhưng sau đó công ty bán hàng há thế chấp lại không thanh toán cho ngân hàng. Sau khi khởi kiện và đề nghị thi hành án thì được thi hành án trả lại hồ sơ, với lý do không có tài sản để xử lý. Hiện nay, khoản nợ cả gốc và lãi trên 1 tỷ đồng ngân hàng vẫn phải treo. Phó giám đốc Vietinbank Quảng Ngãi HUỲNH NGỌC SƠN.
|
Kỳ 2: Bài toán cần gấp lời giải
P.Đức-P.Triều