(Báo Quảng Ngãi)- Để giúp người khiếm thị tự tin hòa nhập cộng đồng, những năm qua, Hội Người mù tỉnh đã thực hiện tốt công tác chăm sóc, tạo việc làm cho từng hội viên. Các cấp hội luôn là “cầu nối” giúp nhiều hoàn cảnh vươn lên trong cuộc sống.
Đến với Hội Người mù huyện Tư Nghĩa, chúng tôi thật sự ấn tượng, bởi dù không nhìn thấy ánh sáng, nhưng nhiều hội viên khiếm thị với đôi tay thoăn thoắt, cần mẫn làm ra những cây chổi xinh xắn không thua gì những người bình thường.
Cơ sở sản xuất chổi của hội viên mù Nguyễn Văn Sinh ở huyện Mộ Đức giải quyết việc làm cho chục lao động ở địa phương. |
Anh Phan Thành, ở xã Nghĩa Thuận, là một trong những hội viên tham gia mô hình làm chổi đót khá sớm. Anh Thành chia sẻ: “Cuộc đời đã cướp đi của tôi đôi mắt, nhưng tôi luôn tự nhủ là phải biết vươn lên trong cuộc sống. May mắn là được hội dạy cho nghề làm chổi, giải quyết việc làm, tạo điều kiện để tôi tự lao động. Giờ đây, tôi đã có một gia đình nhỏ với 2 đứa con ngoan. Cuộc sống của gia đình ngày càng được cải thiện”.
Trong 5 năm qua, Hội Người mù tỉnh đã huy động hơn 990 triệu đồng tạo điều kiện cho 230 lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình người mù đã có cuộc sống ổn định. |
Chị Lê Thị Phượng cũng vậy. Khi tham gia làm chổi đót, chị đã dần xóa bỏ mặc cảm, tự tin để hòa nhập cuộc sống. “Sinh ra đã không thấy ánh sáng, lại mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên cuộc sống tôi gặp rất nhiều khó khăn. Thông qua tổ chức hội, sự giúp đỡ tận tình của các anh chị, em trong hội, tôi dần quen với công việc. Bây giờ, tôi đã có thể tự mình lao động nuôi sống bản thân”, chị Phượng trải lòng. Đối với những người khiếm thị như anh Thành, chị Phượng, việc tự mình làm ra cây chổi để bán không hề dễ dàng. Nhưng rồi, họ đã vươn lên, để tự nuôi sống bản thân.
Sau 10 năm thành lập, cơ sở đã tạo công ăn việc làm bền vững cho 10 hội viên và nhiều hội viên nhận sản phẩm đi bán ở nhiều nơi. Chủ tịch Hội Người mù huyện Tư Nghĩa Phan Quang cho biết: “Hằng năm, cơ sở sản xuất trên 10 nghìn cây chổi các loại, doanh thu trên 200 triệu đồng. Từ nguồn thu này, cơ sở đã sử dụng để trả tiền công cho các hội viên; trích ra một khoản lập quỹ, phòng lúc có hội viên ốm đau, bệnh tật thì thăm hỏi... Hội luôn tranh thủ đi vận động các tổ chức trong và ngoài tỉnh ủng hộ bằng cách tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm chổi đót, tăm tre do cơ sở sản xuất đã có mặt trên thị trường của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đối với hội viên Nguyễn Đức Bình, ở thôn 6, xã Nghĩa Lâm, dù khiếm thị, nhưng nghị lực sống của ông luôn được nhiều người nể trọng. Từ vốn vay 15 triệu đồng của Hội Người mù huyện, ông đã gầy dựng cơ sở chăn nuôi bò lai và nuôi heo, gà các loại để tự nuôi sống bản thân. Ông còn cùng vợ trồng keo lai, nên cuộc sống gia đình ông ngày càng khấm khá. Hay như hội viên Nguyễn Sinh ở huyện Mộ Đức có cuộc sống ổn định cũng nhờ từ nguồn vốn vay ban đầu của hội. Cơ sở chổi đót của ông ngày càng phát triển, tạo nhiều việc làm cho gần chục lao động ở địa phương.
Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Phan Thanh Nam chia sẻ: Tính đến nay, các cấp hội đã tổ chức 3 cơ sở sản xuất chổi tập trung; 3 cơ sở xoa bóp cổ truyền... tạo việc làm ổn định cho hàng trăm hội viên. Nhiều sản phẩm chổi đót, tăm tre, vật dụng dùng trong gia đình do người mù làm ra ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. Hội viên người mù trong tỉnh giàu nghị lực trong cuộc sống. Dẫu vậy, trong cuộc sống vẫn còn nhiều hoàn cảnh rất khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng.
Bài, ảnh: Kim Ngân