(Baoquangngai.vn)- Mặc dù các ngành chức năng đã tăng cường tuyên truyền, nhưng tai nạn đuối nước ở trẻ em vẫn xảy ra thường xuyên, nhất là vào mùa nắng nóng. Nguyên nhân dẫn đến những vụ đuối nước thương tâm thường do các em không biết bơi và thiếu kỹ năng phòng tránh đuối nước. Ngoài ra, một phần cũng do sự lơ là của người lớn khi thiếu sự quản lý, hỗ trợ con em mình phòng tránh đuối nước.
90% học sinh không biết bơi
Quảng Ngãi là địa phương có nhiều con sông lớn gồm: Trà Khúc, sông Vệ, Trà Bồng và đường bờ biển dài hơn 120km. Do đó, học sinh có nhiều điều kiện tiếp xúc với sông, biển và nguy cơ đuối nước khó tránh khỏi. Nhất là khi kỹ năng bơi lội, phòng tránh đuối nước vẫn còn khá xa lạ với các em. Hiện toàn tỉnh mới chỉ có 2/430 trường học có hồ bơi và đưa môn bơi vào chương trình giảng dạy.
Ở thành thị, các bậc phụ huynh đã ý thức hơn trong việc trang bị kỹ năng dạy bơi cho trẻ khi chủ động đưa con em mình đến các hồ bơi nhân tạo. Thế nhưng, theo họ, môn bơi lội được đưa vào trường học vẫn là tốt nhất.
“Đâu phải ai cũng có điều kiện cho con em mình học bơi. Trong khi đó, con trẻ có tính hiếu kỳ với sông nước, thì sẽ không biết xử lý khi gặp tai nạn dưới nước”- Chị Nguyễn Thị Phương Thùy ngụ ở tổ 23 phường Trần Phú, TP.Quảng Ngãi chia sẻ.
|
Trường THCS Nghĩa Hà với hồ bơi được đưa vào sử dụng cách đây một năm. Đây là một trong hai trường học có hồ bơi và đưa môn bơi vào giảng dạy ở Quảng Ngãi. |
Còn với vùng nông thôn, miền núi, thì các em có cơ hội tự học bơi khi tiếp xúc với sông, suối, biển mỗi ngày. Nhưng đi đôi với cơ hội, luôn là những hiểm nguy rình rập dưới lòng sông, con suối hay biển cả mênh mông khi không có người lớn đi kèm con trẻ.
Vì không có cơ hội học bơi, nên đến nay, tỷ lệ học sinh Quảng Ngãi biết bơi chỉ dừng lại ở con số 10%. Đó là kết quả khảo sát được tiến hành bởi Sở GD&ĐT tỉnh trên 173.622 học sinh tại 387 trường tiểu học và THCS. Cụ thể, ở bậc tiểu học chỉ có 10.257/101.269 học sinh biết bơi, chiếm tỷ lệ 10,12%; ở bậc THCS cũng chỉ có 7.168/72.353 học sinh biết bơi, chiếm tỷ lệ 9,90%.
Đặc biệt, qua khảo sát của ngành GD&ĐT, trong số 17.425 em học sinh biết bơi ở bậc tiểu học và THCS thì có đến 11.045 em học sinh biết bơi nhờ tự học bơi ở sông, hồ, ao mà không có người lớn đi kèm, chiếm tỷ lệ 63,39%. Điều này là một trong những nguyên nhân chính khiến cho số vụ trẻ em chết đuối gia tăng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Người lớn còn quá chủ quan
Trẻ em thiếu kỹ năng bơi lội trầm trọng. Trong khi đó, người lớn còn quá thờ ơ với những hoạt động vui chơi của con trẻ. Các em vẫn vô tư nô đùa dưới nước ở khu vực lắm sông, suối hay bờ biển mà có rất ít sự giám sát của bậc cha mẹ.
Bằng chứng cụ thể là, mỗi năm số lượng học sinh tử vong do đuối nước vẫn tiếp tục gia tăng. Năm 2014, Quảng Ngãi có 33 trẻ bị chết do đuối nước. Năm 2015 có 34 em. Năm 2016 tăng lên 37 trường hợp trẻ em bị chết đuối. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có 11 trẻ bị chết đuối.
|
Hằng ngày vẫn còn nhiều trẻ em tiếp xúc với sông, suối, biển mà không có sự giám sát, quản lý của người lớn. |
Trên thực tế, trong thời gian qua, có nhiều vụ đuối nước lẽ ra có lẽ không xảy ra nếu người lớn kiên quyết ngăn chặn các em tắm sông, tắm biển ở những khu vực mất an toàn. Như vụ đuối nước thương tâm ở biển Đức Minh (Mộ Đức) khiến hai học sinh lớp 9 tử vong vừa mới xảy ra vào ngày 14.5, một phần là do sự lơ là của người lớn.
Biển Đức Minh vốn là vùng biển có độ dốc cao, thường xuyên xuất hiện xoáy nước và đã được cắm biển báo “Cấm tắm”. Thế nhưng, do không có sự quản lý cũng như lơi lỏng trong công tác cứu nạn, cứu hộ, vùng biển này mỗi năm đã cướp đi tính mạng của nhiều trẻ em.
“Học sinh ở đây cứ mùa hè là rủ nhau ra biển tắm. Vùng biển Đức Minh này, người lớn tắm có khi còn bị cướp mạng chứ huống gì trẻ con. Những bậc làm cha mẹ thì bận rộn với công việc với nỗi lo cơm áo gạo tiền, không quản được. Nên năm nào cũng có chết đuối là vậy”- Ông Trần Tầm- một ngư dân địa phương, từng chứng kiến nhiều vụ đuối nước chia sẻ.
Ông Đỗ Tiến Tân – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh khuyến cáo: Để ngăn chặn tai nạn đuối nước tiếp diễn, người lớn chúng ta phải có trách nhiệm với con trẻ. Các bậc cha mẹ kiểm soát con cái chặt chẽ hơn và không cho chúng tự ý tiếp xúc với sông, suối, biển nếu không có sự giám sát.
Cộng đồng dân cư khi thấy trẻ em đang ở khu vực nguy hiểm của sông nước thì phải tới nhắc nhở hoặc báo cho địa phương, người có chức năng đến can thiệp ngay để ngăn trẻ em ở khu vực nguy hiểm dễ bị đuối nước.
Đến thời điểm hiện tại, tai nạn đuối nước ở trẻ em chưa dừng lại và đang trở thành nỗi ám ảnh cho toàn xã hội. Những lời hối tiếc muộn màng của người lớn sau sự ra đi của con trẻ đều trở nên vô nghĩa nếu kỹ năng phòng tránh đuối nước vẫn chưa được trang bị cho trẻ và người lớn vẫn tiếp tục chủ quan.
Bài, ảnh: An Điền