(Báo Quảng Ngãi)- Gắn bó với bãi biển Mỹ Khê từ những ngày đầu bãi tắm này thu hút khách du lịch, hơn 20 năm qua, những người làm dịch vụ như cho thuê phao tắm, chụp hình vẫn thủy chung với nghề.
Trải qua bao thăng trầm, lúc hưng thịnh, khi khó khăn nhưng nhiều người vẫn cố gắng bám trụ với nghề, bởi đó không chỉ là mưu sinh mà còn là niềm vui bình dị của cuộc đời họ.
Nửa đời người với biển
Qua giờ nắng gắt của buổi chiều, hai vợ chồng ông Phạm Bảy (58 tuổi) ở thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) cùng nhau mang phao, áo phao ra bãi cát trắng, sát mép biển Mỹ Khê để bắt đầu một ngày làm việc của mình. Gắn bó với bãi biển Mỹ Khê từ những ngày đầu có khách, thấm thoát đã hơn 20 năm, vợ chồng ông Bảy làm nghề cho thuê phao, áo phao.
Với số tiền vốn bỏ ra để mua một chiếc áo phao, phao tắm tùy kích cỡ, dao động từ 80-160 nghìn đồng, mỗi lượt cho thuê, ông Bảy lấy 10 nghìn đồng/ phao, giờ giấc thì không giới hạn. Những ngày lễ, cuối tuần, khách đông hai vợ chồng ông Bảy ngồi cho thuê phao ở bãi biển cả ngày, may mắn thì được 20-30 lượt khách thuê. Còn ngày thường, lai rai cũng được 5-6 người thuê phao.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề cho thuê phao tắm, ông Phạm Bảy luôn cố gắng mang đến sự an toàn cho du khách khi tắm biển. |
Cùng với nghề cho thuê áo phao, chụp ảnh cũng là một trong những dịch vụ có từ ngày đầu bãi tắm hút khách. Yêu thích chụp ảnh từ thời trai trẻ, khi biển Mỹ Khê có những đoàn khách đầu tiên, ông Đỗ Đình Quân ở thôn Mỹ Lại là một trong những người thợ chụp ảnh đầu tiên mưu sinh ở bãi tắm này. Đã gần 25 năm gắn bó với nghề chụp hình ở biển Mỹ Khê, giờ đây ông đã trên 60 tuổi, nhưng sự yêu nghề, say nghề vẫn còn đong đầy.
Buồn vui với nghề
Cứ tưởng nghề cho thuê phao không cần sự tỉ mẫn, tận tâm, nhưng khi chứng kiến ông Bảy, hướng dẫn mặc và cài áo phao cho du khách mới thấy rõ sự trân trọng nghề, khách hàng. Cẩn thận cài từng móc khóa áo phao cho các em nhỏ, ông Bảy tranh thủ dặn dò: “Các cháu còn nhỏ, nên dù có áo phao cũng không được ra xa tắm, bị chuột rút hay có dấu hiệu gì lạ thì phải hô to nghen”. Còn với người lớn thì ông cũng không quên hướng dẫn cho khách những chỗ biển cạn, dễ tắm và cảnh báo những đoạn trũng thấp, để khách đề phòng.
Ở bãi biển Mỹ Khê, nghề thăng trầm nhất có lẽ là nghề chụp ảnh. Cách đây chục năm về trước, lúc cao điểm có hơn chục người thợ chụp ảnh mưu sinh ở bãi biển này. Thế nhưng vài năm trở lại đây, khi người người dùng điện thoại thông minh thì những thợ chụp ảnh dần mất khách.
Ông Quân chia sẻ: “Chục năm về trước, mỗi ngày tôi chụp phải hơn 6-7 cuộn phim, mỗi cuộn lưu được trên 30 tấm hình, cả thảy mỗi ngày phải rửa trên 200 tấm. Dù cực nhọc, nhưng thu nhập cũng khá lắm và đây trở thành nghề chính của tôi. Thế mà mấy năm nay, chẳng còn mấy người mặn mà với việc chụp ảnh lấy hình nữa, nhiều ngày không có khách chụp là chuyện bình thường”.
Để mưu sinh, họ phải sáng tạo, phát triển thêm nhiều dịch vụ đi kèm, để níu khách đến với việc chụp ảnh. Anh Đỗ Đình Anh, ở thôn Khê Ba, xã Tịnh Khê là một trong số ít thợ chụp ảnh còn trụ ở biển Mỹ Khê cho hay: Mấy năm nay, chúng tôi đã kịp thay đổi hình thức chụp ảnh lấy liền để thu hút khách và còn mua thêm ngựa, đầu tư xe ngựa, trang trí thêm hoa để tạo sự mới mẻ, hấp dẫn khi khách chụp hình.
Bài, ảnh: HIỀN THU