Tiềm ẩn rủi ro với tàu cao tốc

10:04, 27/04/2017
.

TRẦN ĐĂNG


(Baoquangngai.vn)- Khác với 5 năm trước đây, mỗi ngày có một chuyến tàu chở khách ra Lý Sơn và một chuyến vào đất liền, hiện nay đã có 5 chuyến ra đảo và 5 chuyến vào đất liền. Cũng khác với những năm trước, tàu chạy đến sốt ruột vẫn chưa thấy đảo hoặc đất liền đâu, bây giờ chỉ mất có 65 phút nếu đi “cao tốc” và 35 phút nếu đi “siêu tốc”.

TIN LIÊN QUAN

Giá cả đi các loại tàu này cũng khá đắt vì với 18 hải lý, khách phải bỏ ra ít nhất là 95 ngàn và cao nhất là 155 ngàn. Đắt vậy nhưng khách cũng không phàn nàn gì vì tốn vài trăm ngàn tiền vận chuyển để được đặt chân lên hòn đảo xinh đẹp ấy thì cũng là quá rẻ cho một lần khám phá vùng đất mới rồi. Điều đáng quan ngại của khách đi tàu hiện nay là độ an toàn của nó. Tôi vừa có chuyến trở lại Lý Sơn bằng tàu cao tốc nên nêu ý kiến này với mong muốn ngành chức năng Quảng Ngãi lưu tâm.

Trước hết, xin được cảm ơn những người đã tạo ra cú hích để biến Lý Sơn từ một hòn đảo buồn tẻ thành một vùng đất tươi vui, luôn nhộn nhịp đón khách thập phương vào ra mỗi ngày. Việc tăng chuyến tàu khách và rút ngắn thời gian đi lại đã tạo điều kiện tốt để những ai muốn biết Lý Sơn khỏi phải lo lắng cho lịch trình tàu đi và đến. Vì với 10 chuyến tàu ra vào hàng ngày, hầu như khách muốn đi lúc nào cũng được. Đó là chưa kể những ngày lễ- tết, việc tăng chuyến luôn diễn ra.

Hiện đã có 11 tàu khách của 5 doanh nghiệp đang hoạt động đưa đón khách ra đảo. Cảm giác thoải mái, mát mẻ khi đi tàu là điều mà bất kỳ hành khách nào cũng thừa nhận. Nhưng cảm giác hài lòng ấy chỉ thoáng qua và nhường chỗ cho sự bất an.

Ví dụ như khách đi tàu “siêu tốc” của hãng Chín Nghĩa. Tàu nhỏ, chỉ 78 ghế, ngồi kín tàu, chạy 35 phút nhưng “khách một nơi mà phao cứu sinh một nẻo”! Không một ai mặc áo phao-điều tối kỵ khi đi tàu biển. Tàu nhỏ, vỏ composite, có cảm giác như tàu chỉ lướt nhẹ trên mặt biển chứ không phải cưỡi sóng nên chưa ấm chỗ ngồi, nhân viên nhà tàu đã nhắc hành khách chuẩn bị tư thế rời tàu.

Nhanh thì tốt thôi, hành khách nào chả thích. Nhưng đó là hôm trời yên bể lặng chứ nếu hôm biển “ấm mình” nhưng tàu vẫn được phép vận hành thì nguy hiểm thay! Chỉ cần một trục trặc nhỏ thì hậu quả không thể đo đếm hết. Giờ đang an toàn thì không thấy ai cảnh báo gì nhưng khi xảy ra sự cố, lúc bấy giờ mới quy trách nhiệm cho nhau. Khi đã truy ra trách nhiệm thì tính mạng con người cũng không còn nữa.

Một điều cũng khá lạ nữa là, thay vì để khách chọn tàu, nhân viên bán vé tại các cảng Sa Kỳ và Lý Sơn lại bán vé hết lượt tới lượt. Nghĩa là bán hết vé của tàu này thì mới bán vé của tàu tiếp theo. Làm như vậy sẽ không kích thích tính cạnh tranh trong việc phục vụ của các nhà tàu, vì đằng nào thì tàu mình vẫn đầy khách.

Rủi ro là điều không ai muốn nhưng cảnh báo rủi ro thì không thể không làm. Góp ý này mong được coi như lời cảnh báo vậy./.
 


.