Những người giữ "ngân hàng" đặc biệt

07:04, 07/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhắc đến hiến máu nhân đạo, điều đầu tiên được nhớ đến là những người hiến máu. Tuy nhiên, để có được nguồn máu “sạch” cung cấp cho bệnh nhân phải kể đến công việc thầm lặng của các y, bác sĩ tại Khoa Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi trong việc tiếp nhận, sàng lọc và bảo quản để đảm bảo chất lượng, kết nối sự sống cho người bệnh trong cơn hiểm nghèo.

Tại Khoa Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, không khí làm việc cũng tất bật, khẩn trương không kém gì ở phòng cấp cứu. Mỗi người một việc, người thì thực hiện các thao tác lấy mẫu máu từ bệnh nhân, người nhận mẫu bệnh phẩm, người đưa mẫu bệnh phẩm vào máy để phân tích, xét nghiệm máu, người chăm lo từng yếu tố kỹ thuật trong bảo quản máu, người ghi chép, kiểm tra hồ sơ để quyết định đưa bịch máu nào phù hợp mà bệnh nhân đang cần...

Tất cả các thao tác chuyên môn ấy đều được các y, bác sĩ nơi đây thực hiện rất cẩn trọng từng chi tiết một, nhưng yêu cầu phải rất nhanh, nhịp nhàng và yếu tố quan trọng nhất là luôn phải chính xác. Bởi vì họ hiểu rằng, máu và các chế phẩm là huyết phẩm tốt không có dược phẩm nào thay thế được, nó mang lại nhiều lợi ích và góp phần cứu sống bệnh nhân. Do đó, những công đoạn sàng lọc, bảo quản máu tại khoa huyết học luôn được thực hiện hết sức cẩn trọng và đảm bảo các quy định nghiêm ngặt của Bộ Y tế.

Khoa Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện là nơi tiếp nhận, sử dụng và phân bổ máu hàng tháng lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Bác sĩ Huỳnh Thị Thuận, Trưởng khoa cho biết, trung bình mỗi tháng khoa tiếp nhận khoảng 1.200 đơn vị máu toàn phần. Sau đó tiến hành điều chế máu làm 2 phần: Hồng cầu và huyết tương. Từ đó, tùy theo nhu cầu của bệnh nhân mà sử dụng máu phù hợp.

Lượng máu sử dụng, phân bổ hàng tháng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trên 2.000 đơn vị (gồm máu và chế phẩm máu). Ngoài cung cấp máu cho việc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện, máu còn được lưu trữ tại khoa và được cung cấp cho các bệnh viện tuyến huyện.

 Máu đã qua sàng lọc được các y, bác sĩ Khoa Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sắp xếp và bảo quản theo quy trình nghiêm ngặt.
Máu đã qua sàng lọc được các y, bác sĩ Khoa Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sắp xếp và bảo quản theo quy trình nghiêm ngặt.


Việc cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân tại các cơ sở y tế luôn cần nguồn máu dự trữ. Tại bệnh viện, ngoài những ca cấp cứu thông thường chỉ cần truyền máu một lần, có những bệnh nhân thiếu máu mãn tính như bệnh suy tủy, bệnh tan máu bẩm sinh… cần lượng máu sử dụng rất lớn. Đặc biệt, có nhiều ca đa chấn thương, nhiễm độc... lượng máu phải truyền là cực lớn. Những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng lan tỏa, thu hút nhiều người tham gia. Nhờ đó, nguồn máu cung cấp cho các bệnh viện từng bước được đảm bảo.

Tuy nhiên, để nguồn máu dự trữ được phân bổ hợp lý và đảm bảo chất lượng theo đúng thời hạn sử dụng, các y, bác sĩ trong khoa phải tổ chức tiếp nhận máu ngoài bệnh viện 3-4 lần/tháng luân phiên ở các đơn vị, địa phương trong tỉnh. “Công tác tiếp nhận máu ngoài bệnh viện được thực hiện vào cuối tuần, rất vất vả. Ở các huyện đồng bằng thì chúng tôi có thể sắp xếp đi từ tờ mờ sáng, nhưng khi đi tiếp nhận máu ở miền núi phải đi từ chiều hôm trước để có thể đảm bảo việc tiếp nhận được thực hiện chu đáo. Hầu hết cán bộ của khoa đều là nữ, nhưng đều ý thức trách nhiệm, nhiệt tình tham gia”, bác sĩ Thuận nói.

Dẫu không trực tiếp điều trị bệnh nhân, nhưng để giọt máu góp phần tái sinh cho người bệnh, cán bộ và nhân viên Khoa Huyết học và Truyền máu cũng phải luôn trực gác, canh thức với từng “nhịp thở” của máu và các thành phẩm, sẵn sàng máu khi bệnh nhân cần và xử lý các tình huống bất thường có thể xảy ra trong quá trình truyền máu.

Ngoài ra, trong trường hợp bệnh nhân cần đến máu tươi khẩn cấp thì nhân viên “ngân hàng” máu phải ngay lập tức huy động nguồn máu bằng nhiều cách như điện thoại cho những người tham gia CLB ngân hàng máu sống, từ người nhà bệnh nhân... Nhiều cán bộ của khoa cũng tự mình tham gia hiến máu cho bệnh nhân khi cần.

Hiện cả khoa đang tất bật chuẩn bị cho ngày toàn dân hiến máu (7.4) sắp đến. Bác sĩ Thuận chia sẻ thêm: “Tuy công việc có vất vả, nhưng các y, bác sĩ của khoa vẫn rất vui mừng vì người dân ngày càng hiểu rõ ý nghĩa của việc hiến máu nhân đạo. Nhiều người bệnh đã được cứu sống nhờ nguồn máu quý giá từ cộng đồng, thì có vất vả hơn nữa chúng tôi cũng sẽ cố gắng hết sức để có thể mang lại nguồn máu đảm bảo cung cấp cho bệnh nhân”.

Bài, ảnh: VŨ YẾN
 


.