(Báo Quảng Ngãi)- Bị cụt một chân, lại mù hai mắt, nhưng ông Nguyễn Văn Sinh (64 tuổi), ở Lương Nông Bắc, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) đã nỗ lực mở cơ sở làm nghề chổi đót, tự tạo việc làm nuôi sống bản thân, gia đình và giải quyết việc làm cho 9 lao động nhàn rỗi ở địa phương. Ông chính là tấm gương giàu nghị lực của người khuyết tật, tỏa sáng giữa đời thường.
Em là "ánh sáng đời anh"
Con đường làng nhỏ quanh co dẫn đến nhà ông Nguyễn Văn Sinh xung quanh là cánh đồng lúa với sắc vàng trĩu hạt đẹp tựa chuyện tình và nghị lực sống của ông vậy. Trước sân, gần chục lao động nữ và vợ chồng ông Sinh cần mẫn bó từng cây chổi. Dù khiếm thị, nhưng nhìn bàn tay ông thành thục, thoăn thoắt thao tác làm chổi khiến tôi không khỏi cảm phục. Bên ấm chè nóng, lau vội mồ hôi trên khuôn mặt rám nắng, bà Trần Thị Mười cầm nón quạt cho chồng.
Ông Sinh và vợ kiểm tra lại chất lượng sản phẩm chổi đót do công nhân làm. |
Lão nông khiếm thị thảnh thơi, kể lại chuyện đời cơ cực như thước phim quay chậm mới hôm nào. Năm ông 21 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của một thanh niên vạm vỡ, tràn đầy lạc quan vào cuộc sống khi vừa cưới vợ được tuần lễ, nhưng rồi vào một buổi chiều định mệnh, khi đi làm về ông Sinh chẳng may dẫm phải mìn, khiến ông mất đi một chân và mù cả hai mắt. Những ngày tháng nằm viện, nhìn người vợ vất vả chăm sóc, ông buồn bã, chán nản nói với vợ: “Không ấy bà bỏ tôi đi. Lo tìm tương lai khác. Chứ bà gắn bó với tôi thì khổ lắm đấy”. Nhưng đáp lại nỗi tuyệt vọng của chồng, bà Mười thủ thỉ bảo: “Số phận đã cho chúng mình đến với nhau, dù anh thế nào đi nữa em cũng sẽ luôn ở bên anh. Em sẽ là đôi mắt của đời anh”. Rồi 5 đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống vốn đã khó lại càng khó khăn hơn.
Bà Mười chia sẻ: "Tình yêu thương giúp chúng tôi vượt qua những ngày gian khó ấy. Là phụ nữ, ai cũng muốn được chồng che chở, bao bọc, nhưng số phận anh như thế mình càng cảm thông, chia sẻ. Thay vì được chồng chở đi, thì mình chở chồng đi. Tôi vẫn tin là mình có hạnh phúc mà không phải người phụ nữ nào cũng may mắn có được”. |
Quyết tâm làm kinh tế
Vợ chồng ông vật lộn với cuộc sống, dầm mưa dãi nắng, nhưng cuộc sống cũng chỉ tạm bợ qua ngày, không đủ lo cho các con ăn học. Nhưng rồi, cuộc sống của ông bước sang trang mới khi năm 2007, ông tham gia khóa dạy nghề làm chổi đót từ Hội Người mù huyện Mộ Đức. Buổi sáng, vợ chở ông lên huyện học, chiều bà lại lên đón ông trở về. Đối với một người kém lành lặn như ông, việc sinh hoạt đã khó, thì việc làm chổi đót còn khó hơn trăm lần. Sau thời gian học nghề thành công, ông bàn với vợ bán con bò được xã hỗ trợ cho người tàn tật nghèo để có vốn mua nguyên liệu về làm chổi bán.
Cơ sở ban đầu của hai vợ chồng làm chủ yếu bán nhỏ lẻ ở các chợ, trường học, để kiếm thêm thu nhập. Dần dần ông mở rộng cơ sở, nhận nhiều chị em tàn tật, không có nghề ổn định vào làm. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, thông qua bạn bè giới thiệu, ông lặn lội vào TP.Hồ Chí Minh tìm các mối hàng sỉ tại đây. Nhờ sản phẩm của cơ sở ông làm rất tỉ mỉ, chắc chắn nên tạo được niềm tin của bạn hàng. Từ chỗ họ đặt hàng vài trăm cây, rồi đến hàng nghìn cây, đến nay cơ sở của ông là địa chỉ tin cậy của thị trường trong tỉnh và TP.Hồ Chí Minh. Mỗi tháng xuất bán gần 10 nghìn cây chổi. Sau khi trả lương cho nhân công gần 4 triệu/tháng, vợ chồng ông có điều kiện ổn định cuộc sống, với thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng.
“Bằng nghị lực và ý chí vươn lên, ông Sinh đã vươn lên trong cuộc sống, gây dựng được cơ ngơi khang trang. Ông còn nhiệt tình tham gia công tác hội, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhiều hội viên thoát đói nghèo. Ông cũng là tấm gương sáng cho những người đồng cảnh ngộ noi theo”, ông Huỳnh Sương- Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh tự hào nói.
Bài, ảnh: KIM NGÂN