Màu xanh trên đất lửa

10:04, 27/04/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Thời chiến tranh, Phổ Khánh (Đức Phổ) như chẳng còn màu xanh của cây cỏ. Phổ Khánh hôm nay đã ngời lên sắc màu tươi mới của của cuộc sống thanh bình, tự tin hướng đến tương lai…

TIN LIÊN QUAN

Quy Thiện đổi thay

Người dân Phổ Khánh hay gọi thôn Quy Thiện là “làng cát”. Vào năm 1968 “tàu không số” mang mật danh 43B chở 37 tấn vũ khí phục vụ cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 bị lộ, buộc phải hủy gần bờ biển Quy Thiện.

Những ngày cuối tháng tư này, những ngôi nhà ở "làng cát" cửa khép hờ. Cả làng bận rộn ra đồng, đến trường, đi biển... Gió biển thổi ào ạt quyện theo hương lúa chín thơm nồng. Hàng dừa cao vút đầu làng, nhiều cây trên thân còn mang vết tích đạn bom một thuở. Hương đồng, gió biển góp thêm thanh điệu vào cuộc sống yên bình ở làng cát Quy Thiện hôm nay…

Lớp học mầm non ở Phổ Khánh
Lớp học mầm non ở Phổ Khánh.


Ông Phạm Ngọc Giàu ở thôn Quy Thiện là một trong 7 du kích trực tiếp giúp đỡ các thủy thủ tàu 43B khi họ bị thương vào đêm 29.2.1968 vẫn còn nhớ như in ký ức về con tàu không số này. Câu chuyện ông kể có xưa có nay, nhưng hứng khởi nhất vẫn là chuyện “làng cát” có nghề nông và nghề biển. Vợ làm nông. Chồng đi biển. Nghề nông thì lo cái ăn cái mặc, học hành cho con hàng ngày. Nghề biển để kết dư xây nhà, mua bò, tạo dựng, tích cóp cho ngày sau.

Quy Thiện nổi tiếng với cây đậu phụng trồng trên đất cát. Năm nay đậu phụng được mùa, được giá. Hầu hết người dân sau thu hoạch đem đậu phụng ép thành dầu, bán với giá 100.000 đồng/lít. Quy Thiện bây giờ cũng đang vào mùa gặt. Những cánh đồng vàng óng cho năng suất 55 - 60 tạ/ha. Cả thôn có hơn 70% hộ tận dụng phế phẩm nông nghiệp để nuôi bò lai. Ở thời điểm này, Quy Thiện là thôn có số hộ nghèo chiếm tỷ lệ chưa đến 4%...

Sau hòa bình, toàn xã có 2/3 số hộ là gia đình có công với cách mạng. Trong đó có gần 1.000 liệt sĩ; hơn 350 thương bệnh binh.

Niềm tin “đất lửa nở hoa”…

Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh Nguyễn Minh Hoàng giới thiệu một số công trình “điện, đường, trường, trạm” của xã vừa mới đầu tư xây dựng khang trang, đạt chuẩn. Đến thời điểm này, Phổ Khánh đạt 11/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Xã đang dồn sức dần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, với quan điểm đầu tư đến đâu phải đạt chuẩn đến đấy, để đến năm 2020 cán đích xã nông thôn mới.

Phổ Khánh có khoảng 5.500ha nhưng phần lớn diện tích là đồi núi khô cằn. Đất trồng lúa rất ít, dù Phổ Khánh là xã thuần nông, cây trồng chủ lực là lúa, keo, mì, đậu phụng. Tuy nhiên, trên các cánh đồng mùa gặt hầu như đã cơ giới hóa hoàn toàn. Máy gặt đập liên hợp ầm vang. Nông dân chỉ đi sau cỗ máy ấy để “đón” lúa về nhà. Trong sản xuất nông nghiệp, dù hệ thống thủy lợi chỉ đảm bảo tưới cho 50% diện tích canh tác, nhưng năng suất lúa và hoa màu ở Phổ Khánh luôn đạt cao nhất nhì huyện Đức Phổ.

 

 Một góc làng quê yên bình Phổ Khánh
Một góc làng quê yên bình Phổ Khánh.


Con đường ven biển từ làng cát Quy Thiện ra Đức Phổ được đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng. Đường phẳng lỳ, hai bên nhà cửa san sát. Ruộng vào mùa gặt vàng ruộm. Vườn đậu, bắp xanh rì rì... Nói như thế không có nghĩa là Phổ Khánh  đã hết khó khăn. Sự khó khăn vẫn vây quanh trên mỗi con đường, ngõ xóm, trong hơn 3.500 nếp nhà nơi đây.

Phổ Khánh có địa hình núi – biển. Trong đó 3/4 diện tích đồi núi bạc màu. Khí hậu khá nơi đây khá khắc nghiệt. Mùa khô thì hạn gay gắt. Mùa mưa dễ xảy ra lũ quét, sạt lở. Vùng biển không có cửa biển, nên việc phát triển nghề đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản tại chỗ hầu như không có…

Thế nhưng, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh Nguyễn Minh Hoàng nói đầy tự tin: “Mục tiêu của Phổ Khánh là xóa nghèo và làm giàu bền vững. Lợi thế lớn nhất của Phổ Khánh là lòng dân kiên định, cần cù lao động. Với lợi thế đó, tin tưởng rằng, cái nghèo, cái khó ở Phổ Khánh rồi sẽ sớm được đẩy lùi”…

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 


.