Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động 2012 đang được lấy ý kiến đóng góp. Trong đó, đề xuất tăng giờ làm thêm tới 600 giờ/năm nhận được nhiều quan tâm, băn khoăn, nhất là về yếu tố sức khỏe của người lao động...
Hai phương án
Cụ thể, dự thảo luật đưa ra hai phương án tăng giờ làm thêm. Phương án 1, số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong một ngày và không quá năm ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ. Tuy nhiên, tổng số giờ làm thêm của người lao động không được vượt quá 600 giờ trong một năm. Phương án 2, số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong một ngày và không quá năm ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ (không giới hạn số giờ làm thêm trong năm).
|
Việc xem xét đầy đủ các điều kiện để thực hiện tăng giờ làm thêm với người lao động là rất cần thiết. Ảnh: Viết Thành |
Điều 106 của Bộ luật Lao động 2012 hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 30 giờ/tháng và một năm không quá 200 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần tăng giờ làm thêm tối đa, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và một bộ phận người lao động muốn tăng thu nhập. Bên cạnh đó, tăng số giờ làm thêm là tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với khu vực.
Dưới góc độ người lao động, chị Hà Thị Tươi (công nhân Khu công nghiệp Thăng Long) cho rằng, làm thêm giờ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và đời sống. Tại các doanh nghiệp, công nhân thường đảm nhiệm một vị trí cố định trong dây chuyền. Việc thường xuyên phải ngồi hoặc đứng trong quá trình làm việc liên tục nhiều giờ khiến người lao động mệt mỏi, mất sức. Đây là nguyên nhân khiến không ít nữ công nhân ngất xỉu trong giờ làm thêm, đặc biệt là không còn sức lực, thời gian chăm sóc con cái.
Phải xem xét nhiều yếu tố
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến không đồng tình với đề xuất tăng giờ làm thêm tới 600 giờ một năm, cho rằng sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cuộc sống của người lao động. Điều này đi ngược lại các tiến bộ về quyền của người lao động.
Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho biết, Tổng Liên đoàn cũng không nhất trí với hai phương án trên, Việc tăng giờ làm thêm phải xem xét tới nhiều yếu tố, tránh để doanh nghiệp lợi dụng vắt kiệt sức người lao động. Làm thêm giờ liên tục trong môi trường làm việc chưa bảo đảm dễ dẫn đến tai nạn lao động, nhất là với những lao động trực tiếp, làm việc ngoài trời... Theo ông Lê Đình Quảng, có thể xem xét tăng số giờ làm thêm tối đa theo năm, từ “không quá 200 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ” như hiện nay, lên “không quá 300 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 400 giờ”. Tuy vậy, cần quy định rõ trường hợp nào là đặc biệt.
Hiện theo Nghị định 45/2013/NĐ-CP (Quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, vệ sinh an toàn lao động), những trường hợp đặc biệt được áp dụng cho phạm vi ngành nghề rất rộng. Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn thời vụ, Tổng Liên đoàn sẽ đề xuất bỏ giới hạn làm thêm giờ trong tháng (hiện quy định không quá 30 giờ/tháng). Đặc biệt, việc tăng giờ làm thêm chỉ được áp dụng giải quyết những công việc thực sự cần thiết, cấp bách, trong điều kiện doanh nghiệp chưa tuyển thêm được lao động.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng, nguyên nhân là vì tiền lương tối thiểu còn quá thấp. Để giải quyết vấn đề này, cần nâng tiền lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu và lương của người lao động phải được trả theo lũy tiến, ví dụ: Làm thêm giờ vào ngày thường và đến 200 giờ/năm thì được trả ít nhất bằng 150% lương; từ 201 đến 300 giờ/năm được trả ít nhất bằng 200% lương; từ trên 300 giờ/năm được trả ít nhất 250% lương.
Linh Chi/Hà Nội mới