(Báo Quảng Ngãi)- Trải qua bao thăng trầm suốt chặng đường 30 năm hình thành và phát triển, thị trấn Ba Tơ hôm nay vững vàng đi lên trong tiến trình đổi mới, hội nhập. Thành tựu đáng tự hào ấy của quân và dân thị trấn là tiền đề vững chắc để thế hệ trẻ kế thừa, phát huy, đồng lòng chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Từ thị trấn Ba Đình ngày ấy...
Cách đây 30 năm, vào ngày 12.3.1987, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 52-HĐBT thành lập thị trấn Ba Đình trên cơ sở sáp nhập 6 thôn: Đá Bàn, Tài Năng thuộc xã Ba Đình; thôn Vã Nhăn, Kon Dung thuộc xã Ba Dung; thôn Tài Năng 1, Tài Năng 2 thuộc xã Ba Trung. Thị trấn có tổng diện tích khoảng 512ha với hơn 3.300 nhân khẩu.
Đường Trần Toại (thị trấn Ba Tơ). |
Ba Đình được xác định là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của huyện Ba Tơ. Sự kiện này tạo đà cho thị trấn Ba Đình vươn lên phát triển, đồng thời cũng đặt ra cho đảng bộ và chính quyền địa phương nhiều khó khăn, thách thức mới. Trong đó khó khăn lớn nhất là nền kinh tế của địa phương và kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội còn thấp kém do ảnh hưởng của chiến tranh tàn phá nặng nề; đường sá đi lại cách trở; cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục, đào tạo, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân chưa đáp ứng; kinh tế phát triển chậm, phương thức sản xuất giản đơn, mang nặng tính tự cung tự cấp, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị của địa phương nói chung vừa yếu, vừa thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới...
Năm 2005, thị trấn Ba Tơ đã vinh dự được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân”. Năm 2012, được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc; năm 2015, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng huyện Ba Tơ. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 30 năm thị trấn Ba Tơ hình thành và phát triển, Đảng bộ và Nhân dân thị trấn Ba Tơ vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. |
Trước tình hình đó, Đảng bộ, chính quyền thị trấn Ba Đình tập trung lãnh đạo, điều hành thực hiện các chương trình kinh tế lớn, trong đó đặc biệt chú trọng đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, tập trung khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động để nhanh chóng đẩy lùi nạn thiếu đói trong mùa giáp hạt.
Nhờ vậy, trong những năm của thập kỷ 90, các hợp tác xã và 8 tập đoàn sản xuất từng bước làm ăn hiệu quả; năng suất và sản lượng nông nghiệp đều tăng, chăn nuôi phát triển mạnh; phong trào trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc phát triển đều khắp; hệ thống điện, đường, trường, trạm hình thành và hoàn thiện; đời sống nhân dân ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dần theo chiều hướng tích cực.
Bức tranh kinh tế - xã hội của thị trấn Ba Đình hồi phục và khởi sắc; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, bước đầu đã xây dựng được một số cơ sở kinh tế - xã hội phục vụ cho sự nghiệp đổi mới trong thời gian tiếp theo.
...đến thị trấn Ba Tơ hôm nay
Sau tái lập tỉnh Quảng Ngãi, ngày 26.12.1990, Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ đã ban hành Quyết định số 579/TCCP đổi tên thị trấn Ba Đình thành thị trấn Ba Tơ. Khi ấy, thị trấn Ba Tơ có 6 tổ dân phố (TDP) với tên gọi theo số thứ tự từ TDP số 1 đến TDP số 6.
Đến tháng 7.2014, UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định đổi tên 6 TDP thành TDP Đá Bàn, Vã Nhăn, Kon Dung, Hoàn Đồn, Tài Năng, Uy Năng nhằm giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng và văn hóa phong tục, tập quán của quân và dân thị trấn trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Đến tháng 12.2015, sau khi điều chỉnh TDP Hoàn Đồn thành Bắc Hoàn Đồn và Nam Hoàn Đồn, thị trấn Ba Tơ có 7 TDP với 20 khu dân cư, 46 tổ tự quản về an ninh trật tự.
Học sinh tiểu học TT Ba Tơ trong giờ đọc sách báo tại thư viện nhà trường. |
Trong suốt chặng đường 30 năm hình thành và phát triển, được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến tỉnh, huyện, cùng với tinh thần tự lực tự cường, cán bộ và nhân dân thị trấn Ba Tơ đã đoàn kết phấn đấu xây dựng thị trấn phát triển cả về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Theo đó, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Diện mạo, hạ tầng thị trấn ngày càng thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại.
Năm 2016, thị trấn Ba Tơ được công nhận đạt đô thị loại V; kinh tế tăng trưởng năm sau luôn cao hơn năm trước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2016 đạt hơn 94 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm, giai đoạn 2010 - 2015 đạt gần 13,8%; thu nhập bình quân đầu người hơn 22 triệu đồng, tăng gần 12 triệu đồng so với năm 2010 và vượt rất xa so với những ngày đầu thành lập.
Công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị từ thị trấn đến các tổ dân phố thường xuyên được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức đảng và quản lý chất lượng đảng viên.
Đến nay, Đảng bộ thị trấn Ba Tơ có 315 đảng viên, sinh hoạt tại 13 chi bộ trực thuộc. Nhiều năm liền Đảng bộ thị trấn được công nhận Đảng bộ “Trong sạch vững mạnh”. Đảng bộ thị trấn luôn tập trung quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... tạo những chuyển biến mới trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ; hoạt động của chính quyền, mặt trận và các hội đoàn thể nhân dân không ngừng được nâng lên, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc trên địa bàn.
Kè chống sạt lở sông Liên góp phần tạo diện mạo và mỹ quan cho thị trấn Ba Tơ. |
Bí thư Đảng ủy thị trấn Ba Tơ Trần Hữu Kế cho biết, thời gian tới, thị trấn tập trung chăm lo công tác xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, phát huy mạnh mẽ tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; thực hiện đạt hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước để đề ra những quyết sách phù hợp, gắn phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng - an ninh; chăm lo xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ của địa phương trong tình hình mới.
Bài, ảnh: T.NHỊ - H.HOA