Tăng cường phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc

07:03, 13/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc trong những ngày đầu năm 2017 gặp nhiều khó khăn, do diễn biến bất thường của thời tiết, cùng ý thức của người dân còn hạn chế. Tuy nhiên, nhờ chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh, ngành chức năng đã dập tắt được các ổ dịch ngay từ nơi phát sinh, hạn chế lây lan trên diện rộng.

Đầu tháng 2.2017, trên địa bàn các xã Tịnh Giang, Tịnh Bắc, Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) có nhiều con bò bị mắc bệnh tụ huyết trùng. Tại xã Tịnh Giang có 8 con bị bệnh, thì đã có 6 con chết. Trong đó, bò chết nhiều nhất là ở thôn Đông Hòa, khiến người chăn nuôi không kịp trở tay. Ông H.V.M, ở thôn Đông Hòa cho biết: "Chuồng trại chăn nuôi, và nguồn thức ăn vẫn đảm bảo, nhưng không hiểu sao bò lại đột nhiên mắc bệnh. Gia đình đã báo cáo cho cán bộ thú y địa phương đến điều trị, nhưng bò vẫn chết trong ngày hôm sau".

Tập quán chăn thả rông trâu bò của người dân ở các huyện miền núi, khiến việc kiểm soát, phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.
Tập quán chăn thả rông trâu bò của người dân ở các huyện miền núi, khiến việc kiểm soát, phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.


Ở thôn Đông Hòa số bò bị bệnh chết lại chưa được tiêm phòng tụ huyết trùng, vì vậy nếu không tổ chức khoanh vùng, dập tắt ổ dịch thì nguy cơ lây lan trên diện rộng là rất cao. Phó Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sơn Tịnh Phạm Anh Tuấn cho biết: "Đầu năm 2017, có 9 xã trên địa bàn huyện có bò mắc bệnh tụ huyết trùng. Ngay sau khi phát hiện chúng tôi đã nhiều lần lên kiểm tra, đồng thời phối hợp với lực lượng thú y tại các địa phương này tổ chức ngay các biện pháp phòng và điều trị. Đến nay, tình hình bệnh tụ huyết trùng trên bò đã được kiểm soát. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tổ chức tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng chống, chứ không được chủ quan".
 

Cần người dân phối hợp    


Theo ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y: "Vì bệnh tụ huyết trùng không nằm trong danh mục được Nhà nước hỗ trợ nên khi trâu bò chết, người dân đã nhanh chóng bán cho thương lái để vớt vát thiệt hại. Chính điều này đã gây khó khăn cho việc lấy mẫu bệnh phẩm nhằm tìm ra nguyên nhân để có biện pháp phòng trừ hữu hiệu. Để phòng chống dịch bệnh thành công thì người dân cũng cần phối hợp chặt chẽ với ngành thú y".

Theo thống kê, chỉ trong tháng 1.2017, trên địa bàn tỉnh có 148 trâu bò mắc bệnh tụ huyết trùng, trong đó có 8 con bị chết, rải rác trên 38 xã. Hiện bệnh đã được giám sát và phòng trị kịp thời nên không phát sinh thành dịch.

Tuy nhiên, để việc phòng chống dịch bệnh thành công, ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng, thì vai trò của người chăn nuôi cũng góp phần quan trọng. Nhiều nơi có trâu bò bị bệnh chết, người dân đã bán đổ, bán tháo ra thị trường, khiến công tác phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.

Ở các huyện miền núi, do tập quán thả rông, nên năm nào mưa lạnh kéo dài, số lượng trâu bị chết cũng khá nhiều. Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Ba Tơ Ngô Hữu Trường cho biết: "Từ đầu năm đến nay, đã có 5 con trâu trên địa bàn huyện bị chết vì bệnh tụ huyết trùng. Tất cả đều ở những làng xa xôi, nên khi lực lượng thú y đến kiểm tra thì trâu đã chết. Song, ở những nơi này, chúng tôi đều tổ chức các biện pháp tiêu độc, khử trùng, nhằm tránh dịch bệnh lây lan.

Theo kế hoạch, trong tháng 3, khi người dân tổ chức đưa trâu từ núi về, chúng tôi mới tổ chức tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng cho đàn trâu bò trên địa bàn. Đặc thù của huyện miền núi là vậy, nên muốn việc phòng chống dịch bệnh thành công thì ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng, việc nhận thức của người dân cũng đóng vai trò hết sức quan trọng".

Bài, ảnh:  NGỌC VIÊN

 


.