Người Mường trên đất quế

05:03, 07/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với nhiều dân tộc anh em, người Mường trên mảnh đất Trà Bồng hôm nay cũng đang hòa mình vào cuộc sống, coi đây là quê hương thứ 2 của mình...

Nằm dưới thung lũng sau những dãy núi bạt ngàn keo, quế ở KDC Sơn Thành, xã Trà Sơn (Trà Bồng) là nhà của người dân tộc Mường. Những ngôi nhà khang trang của bà con dân tộc Mường không khác gì nhà của các dân tộc anh em ở đây, nên nếu không được giới thiệu trước thì khó lòng nhận ra. Họ sinh sống trên mảnh đất Trà Bồng hàng chục năm nay, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bà Sớp giới thiệu cho con cháu trang phục truyền thống của người Mường.
Bà Sớp giới thiệu cho con cháu trang phục truyền thống của người Mường.


Bà Quách Thị Sớp ở xã Trà Sơn là một trong những người Mường đến Trà Bồng sinh sống đầu tiên. Năm nay đã 76 tuổi, bà Sớp bùi ngùi nhớ lại những ngày mới đặt chân đến đây. Bà sinh ra và lớn lên tại một bản Mường thuộc xã Xuất Hóa, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình). Năm 18 tuổi, bà quen và lấy chồng người dân tộc Cor là ông Đinh Xuân Hà, là bộ đội tập kết ra Bắc.

Năm 1981, bà theo chồng về sống tại xã Trà Sơn cho đến tận bây giờ. Bà bảo: Ngày đó, để phụ chồng nuôi con, bà vừa tích cực sản xuất, vừa học hỏi ngôn ngữ bản địa để thích nghi với tập quán ở đây. Rồi vùng đất mới này sớm trở thành quê hương thứ hai và là nơi 8 người con của bà lần lượt rà đời và lơnớn lên. Hiện các con của bà đều có công ăn việc làm ổn định và thành đạt.  Người thì làm công an, bộ đội, người là giáo viên... Chị Đinh Thị Anh, con gái đầu của bà Sớp nay là cán bộ văn hóa xã Trà Sơn, cho biết: "Sinh sống ở Trà Bồng đã hơn 30 năm, chị em chúng tôi được thừa hưởng những nét đẹp văn hóa của hai dân tộc ở tính cần cù, chịu khó, nghị lực vươn lên trong cuộc sống".
 

Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Nguyễn Xuân Bắc cho biết: “Nhờ nỗ lực vươn lên, cùng với sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp, cuộc sống của các hộ người dân tộc Mường ở Trà Sơn ngày càng khấm khá. Không chỉ làm kinh tế giỏi, các hộ người Mường còn biết đầu tư cho giáo dục, nuôi con em ăn học đến nơi đến chốn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương”.

Để giới thiệu cho chúng tôi về văn hóa dân tộc Mường, bà Sớp vào tủ quần áo, lấy những bộ trang phục của cô gái Mường mà lâu nay bà vẫn mang theo bên mình coi đó như báu vật. “Dù đã xa quê vài chục năm, hòa mình vào văn hóa của người Cor, nhưng những truyền thống, nét đẹp của dân tộc, mình vẫn luôn giữ gìn để nhắc nhở, truyền dạy cho con cháu”, bà Sớp nói.

Rời nhà cụ Sớp, chúng tôi đến nhà bà Quách Thị Khoa là một người Mường theo chồng về đây sinh sống từ năm 1984.  “Lúc mới vào mình không biết gì về phong tục cúng bái, đám cưới, tang gia... nhưng dần cũng thích nghi được”, bà Khoa nói. Từ một cô gái Mường, bà Khoa cũng sớm hòa mình vào cuộc sống nơi đây, cũng đi làm rẫy, cùng chồng nuôi các con ăn học nên người. Chồng bà sau đó mất sớm, nhưng bà cũng được an ủi phần nào khi các con đều trưởng thành. Giờ kinh tế đã ổn định, nhưng bà vẫn không cho phép mình nghỉ ngơi. Hằng ngày bà vẫn cần mẫn với những bó rau ranh, ốc đá bán ven đường để không phụ thuộc con cháu tuổi xế chiều.

Còn gia đình ông Quách Văn Hiển vào đây định cư đã hơn 20 năm. Từ chỗ chạy lo ăn từng bữa, nhưng nhờ tính chịu khó, gia đình ông Hiển đã sở hữu nhiều hécta keo lai và quế. Ông Hiển còn mở đại lý buôn bán tạp hóa. Nhờ đó, ông có điều kiện nuôi 3 người con học đại học, có công ăn việc làm ổn định.

Sống trên đất quế, với những phong tục, tập quán của nhiều dân tộc khác nhau, người Mường đã biết hòa mình vào cuộc sống nơi đây, biết gìn giữ những bản sắc văn hóa riêng, nhưng cũng biết tiếp thu những cái mới, cái hay của cộng đồng dân tộc ở đây, tạo ra sự đa dạng trong văn hóa ở Trà Bồng.
          

Bài, ảnh: P.V

 


.