(Báo Quảng Ngãi)- Từ những vật liệu có sẵn trong tự nhiên và bằng đôi bàn tay khéo léo, người Ca Dong đã làm nên những sản phẩm đan lát độc đáo mang bản sắc của dân tộc mình. Dù đã trải qua bao năm tháng, nhưng đến nay sản phẩm đan lát vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống, sinh hoạt của người Ca Dong.
Già làng Đinh Văn Khoang được xem là người có tay nghề đan lát vào hàng bậc nhất ở thôn Gò Lả, xã Sơn Dung (Sơn Tây). Trong căn nhà sàn nhỏ đơn sơ, già Khoang lưu giữ nhiều vật dụng đan lát thủ công khá cầu kỳ từ mây, lồ ô, nứa như chiếc kteo, kchui... đến những vật dụng đơn giản như chakróc, tót, kđắp...
Già Đinh Văn Khoang giới thiệu “kho tàng” vật dụng đan lát thủ công của mình. |
Già Khoang cho biết: “Kỹ thuật đan lát của người Ca Dong khá phức tạp. Bởi, tùy thuộc vào từng sản phẩm mà người Ca Dong áp dụng nhiều kỹ thuật đan khác nhau. Vì vậy, muốn đan được sản phẩm thì người đan phải chịu khó và có tính kiên nhẫn”.
Không giống như nhiều dân tộc khác, người Ca Dong không sử dụng sản phẩm đan lát cho mục đích thương mại. “Vì sản phẩm đan lát có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống, sinh hoạt nên thanh niên Ca Dong đều chịu khó học cách đan lát. Sản phẩm đan lát ngoài phục vụ cho đời sống trong chính mỗi gia đình, thì người Ca Dong còn dùng để biếu, tặng khách quý trong những ngày vui như Tết, lễ hội. Việc này thể hiện tấm lòng hiếu khách”, già Khoang nói và say sưa giới thiệu từng loại vật dụng do chính mình làm ra.
Kchui là vật dụng không thể thiếu đối với người đàn ông Ca Dong, vì nó được sử dụng trong quá trình săn bắt. Kchui được cho là vật dụng khó làm nhất và không phải người Ca Dong nào cũng làm được. Nguyên liệu làm nên sản phẩm này chủ yếu là mây. Dây mây sau khi hái ở rừng về được chẻ thành những sợi nhỏ rồi đan lại thật chặt với nhau theo họa tiết hình chữ V. Để tạo nét đẹp riêng cho chiếc kchui, nghệ nhân có thể thêm vào những họa tiết trang trí điểm xuyết, tùy vào sức sáng tạo của mình. Người ta thường hái lá rapô trong rừng đem về giã ra lấy nước, nhuộm màu cho sợi nứa để chúng có màu đen đậm nổi bật hơn so với màu sắc thông thường, khi đan điểm xuyết sẽ tạo nên nét đẹp độc đáo cho sản phẩm.
Chiếc kchui là vật dụng không thể thiếu trong mỗi cuộc săn bắt của đàn ông Ca Dong. |
Kteo hay còn gọi là gùi, thường mất hơn mười ngày mới đan xong một chiếc. Kteo có hai loại là kteo lớn mang trên lưng để gùi lúa, chuối, củi... và chiếc kteo nhỏ đeo trước ngực khi tuốt lúa. Để chiếc kteo có độ bền, người đan thường chọn những cây nứa có độ tuổi khoảng một năm, không quá già hoặc quá non. Trong một chiếc kteo, người đan thường áp dụng đến bốn cách đan khác nhau cho mỗi phần thân trên, thân dưới, đáy và họa tiết điểm xuyết. Các họa tiết thường có trên chiếc kteo là hình thoi, hình chiếc chuông đặt ngửa tinh xảo.
Đồng bào Ca Dong dùng "cái tót" để sảy lúa. Tót có chức năng như cái nia của người Kinh nhưng vành có hình bầu tròn. Công đoạn đan tót không phức tạp, nhưng bắt buộc người đan phải là người có tay nghề cao, để nang nứa đan phải khít vào nhau, không tạo ra kẻ hở và khi vô vành sẽ không bị méo. Đây là sự khác biệt mang tính nghệ thuật cao của đồng bào Ca Dong trong việc sáng tạo ra các vật dụng đáp ứng cho nhu cầu cuộc sống.
Ngoài kchui, kteo, tót thì các vật dụng đơn giản khác như chakróc thường dùng khi đi bắt cá, ốc; hay chiếc hộp kđắp nhỏ nhắn đựng đồ dùng và các loại mủng, rổ… đều dễ dàng bắt gặp trong mỗi gia đình của người Ca Dong.
Với sự cần cù, khéo léo, đồng bào Ca Dong đã “thổi hồn” vào mây, nứa, tạo ra những sản phẩm giản dị, nhưng đầy tiện ích, mang ý nghĩa lớn trong cuộc sống thường nhật của người dân miền sơn cước và in đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Ca Dong.
Bài, ảnh: THU HIỀN