(Báo Quảng Ngãi)- Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở huyện Tư Nghĩa được triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao, ngày càng đi vào chiều sâu, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trong xã hội hiện nay, nhiều cặp vợ chồng trẻ chọn cho mình cuộc sống riêng, không cùng chung sống với ông bà, cha mẹ. Thế nhưng, vợ chồng chị Huỳnh Thị Bê, ở thôn 5, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) đã hơn 14 năm chung sống trong gia đình nhiều thế hệ, giữ được mối hòa thuận, ấm êm. Chị Bê cho rằng: "Sống trong gia đình nhiều thế hệ giúp mỗi thành viên ý thức giá trị của truyền thống đạo đức, biết kính trên nhường dưới. Mọi người biết yêu thương, chia sẻ lẫn nhau trong cuộc sống".
Bằng tình yêu thương dành cho gia đình, chị Bê đã tự dàn xếp, giải quyết những xích mích nhỏ trong gia đình, sống thuận hòa trên dưới. Khi gia đình yên ấm, vợ chồng chị an tâm lao động sản xuất, trồng cây keo, mì và đầu tư phát triển chăn nuôi... Gia đình chị Bê tích cực tham gia phong trào hiến đất mở đường, các nghĩa vụ công ích, đi đầu trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa.
Ở huyện Tư Nghĩa, còn có nhiều cá nhân, tập thể điển hình trong các phong trào thực hiện nếp sống văn minh tuyến phố, “người tốt, việc tốt”. Tiêu biểu như gia đình ông Huỳnh Minh Thi, Nguyễn Hồng Sơn ở xã Nghĩa Thuận; Câu lạc bộ gia đình văn hóa thôn Tây Năng 1, thôn Tây Năng 3 xã Nghĩa Thương... Trong từng cơ quan, đơn vị, cũng dấy lên phong trào và hành động thiết thực trong xây dựng đời sống văn hóa. Đến nay, huyện Tư Nghĩa có 137 cơ quan, đơn vị (gần 96%); 73 thôn, tổ dân phố (chiếm 89%) đạt các tiêu chí về văn hóa. Việc đăng ký, bình xét và đề nghị công nhận gia đình văn hóa được thực hiện công khai, dân chủ, đúng chuẩn, nên số lượng và chất lượng gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên. Đến năm 2016, toàn huyện có khoảng 5.650 hộ được cấp giấy công nhận gia đình văn hóa lần thứ 3 và có khoảng 13.450 hộ được cấp giấy chứng nhận gia đình văn hóa lần thứ 2.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Bùi Văn Tiến cho biết, đạt được kết quả này là nhờ trong những năm qua, huyện Tư Nghĩa đã bám sát kế hoạch, hướng dẫn cấp trên trong triển khai thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, ban hành nghị quyết về mục tiêu phát triển phong trào. Hằng năm, ban chỉ đạo tiến hành củng cố, kiện toàn tổ chức, phân công trách nhiệm cho từng thành viên; sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng các mô hình tiên tiến, các nhân tố mới trong phong trào; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ lĩnh vực văn hóa... Để phong trào tạo được sự đồng thuận sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, các địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.
Ông Bùi Văn Tiến cho biết thêm: Điều dễ nhận thấy nhất là thay đổi trong nhận thức của người dân, bộ mặt nông thôn, đường làng ngõ xóm khởi sắc, các hương ước thực hiện nghiêm túc, văn hóa cưới, tang lễ được cải thiện. Việc tảo hôn ở hai xã miền núi đã được hạn chế.
Trong thời gian đến, huyện chỉ đạo các địa phương củng cố Ban Chỉ đạo Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở các thôn xóm, tích cực tuyên truyền các quy định mới về hương ước, quy ước, phát huy truyền thống hiếu học, dâu hiền rể thảo, thực hiện văn minh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang; đẩy mạnh các phong trào phát triển kinh tế, góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện vào năm 2020.
TRƯỜNG AN