(Baoquangngai.vn)- Cầu tràn được xây dựng nhằm đảm bảo tiêu thoát nước nhanh vào mùa mưa lũ và đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân. Tuy nhiên khi bước vào mùa mưa lũ, cầu tràn lại trở thành những cái bẫy đối với người và phương tiện lưu thông.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thời điểm mưa lũ, lượng nước lũ tiêu thoát qua cầu tràn ngang qua địa phận xã Phổ Vinh (Đức Phổ) quá lớn đã vô tình khiến tuyến giao thông chính từ Phổ Vinh ra Quốc lộ 1 bị chia cắt. Để đảm bảo an toàn, UBND xã Phổ Vinh phải huy động lực lượng chốt chặn tại hai đầu cầu tràn để ngăn không cho người dân chủ quan lưu thông khi nước lớn.
Vào mùa mưa lũ, lực lượng dân quân thường phải túc trực 24/24h để hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân tránh khỏi nguy hiểm. |
Nước lũ tràn về ngập mênh mông, nên rất khó phân định đâu là bờ tràn, đâu là hố sâu |
Không chỉ riêng điểm cầu tràn xã Phổ Vinh mà vào mùa mưa lũ, hầu hết các điểm cầu tràn trên địa bàn tỉnh đều rơi vào cảnh ngập sâu khiến nhiều tuyến giao thông bị chia cắt, gây khó khăn cho người dân đi lại. Và thực tế, đã có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra do nước lũ chảy siết tại các điểm cầu tràn.
Trong đợt mưa lũ năm 2013, một thầy giáo của Trường THCS Sơn Bao, xã Sơn Bao (Sơn Hà) đã bị lũ cuốn trôi khi đi ngang qua điểm cầu tràn ngang qua khu vực suối Nước Nâu, xã Sơn Bao.
Nhiều người dân vẫn cố ý vượt qua bờ tràn một cách nguy hiểm |
Nguy hiểm tại các điểm tràn là thực tế đã thấy rõ, nhưng do không kham nổi kinh phí để nâng cấp, xây dựng cầu tràn thành cầu bê tông, nên cứ đến mùa mưa lũ, các địa phương đều phải cắt cử, bố trí lực lượng túc trực ngăn không cho người, phương tiện qua lại. Tuy nhiên, đây không phải là kế sách lâu dài. Vì vậy, để có thể đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông, các cấp, ngành liên quan cần có kế hoạch bố trí kinh phí thay thế cầu tràn tại các điểm lũ có nguy cơ ngập sâu.
Thu Phương