(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ dạy văn hóa, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) còn tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho trẻ khuyết tật, với mong muốn giúp các em có điều kiện hòa nhập cộng đồng.
Giờ học, thực hành làm hoa voan của các em khuyết tật tại Trung tâm không ồn ào, sôi động như các tiết học của trẻ bình thường. Các em không nghe, nói được nên mọi hoạt động giao tiếp đều thông qua ký hiệu ngôn ngữ bằng chữ cái ngón tay. Vì vậy, từng thao tác kỹ thuật giáo viên đều phải thực hành trực tiếp, chậm rãi để các em kịp nắm bắt. Do khả năng nhận biết hạn chế, nên mỗi em chỉ có thể đảm nhận một công đoạn như làm khuôn, vào voan, kết thành bông, tạo cành...
Cô Hoàng Ngâu, giáo viên lớp dạy làm hoa voan bộc bạch: “Dạy trẻ em khuyết tật phải thật sự nhẫn nại, chịu khó. Một lớp có từ 10-15 em, mà chỉ có 1 giáo viên nên cũng khá vất vả. Nhưng mỗi khi nhìn các em chăm chú, cẩn thận, tỉ mỉ thực hiện từng động tác và nét mặt hớn hở khi hoàn thành một chi tiết của sản phẩm, tôi lại tự nhủ mình phải nỗ lực hơn nữa”.
Trẻ khiếm thính được dạy nghề làm hoa voan tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn. |
Lớp làm hoa voan là một trong hai lớp nghề mà Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn tự tìm nguồn kinh phí để mở lớp. Lớp nghề còn lại là nghề bó chổi, các học viên cũng đã sắp “tốt nghiệp”. Những chiếc chổi đẹp và chắc chắn được bó bởi bàn tay của những đứa trẻ khuyết tật càng trở nên có giá trị, bởi nó thể hiện cho sự nỗ lực không ngừng của các em.
“Trong những năm sắp tới, chúng tôi phấn đấu đưa sản phẩm rau sạch mà các em trồng được ra bán trên thị trường. Số tiền thu được từ các hoạt động kinh doanh này, sẽ được trích ra để trả lương cho các em làm ra sản phẩm”. Phó Giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn TRẦN THỊ THU THỦY |
Trung tâm cũng vừa bế giảng 3 lớp đào tạo nghề với 45 học viên, với các nghề chế biến món ăn và may công nghiệp. Các học viên trong lớp đều là trẻ khó khăn về học, trẻ khiếm thính đang học tập tại trung tâm hoặc sinh sống tại địa phương. “Dạy nghề cho trẻ khuyết tật là điều không dễ. Đơn cử như nghề may. Để may được đường cơ bản, các em phải mất 1 tháng, có em chật vật 2 -3 tháng.
Chưa kể khi thời tiết thay đổi, các em mệt mỏi phải tạm dừng công việc. Tính tình của các em cũng khác với người bình thường. Bởi vậy, trẻ khuyết tật phải được dạy bằng cách cầm tay chỉ việc, uốn nắn tận tình cho các em. Các lớp đào tạo nghề chỉ giới hạn trong 3 tháng, nhưng chúng tôi luôn phải kéo dài thời gian lên từ 4-6 tháng để các em có thể học kỹ hơn”, cô Trần Thị Thu Thủy– Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ.
Khó khăn là vậy, nhưng sau khi hoàn thành các lớp học, trung tâm cũng đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của các cơ sở may mặc, từ đó tạo cơ hội việc làm cho nhiều trẻ khuyết tật ở đây. Không chỉ vậy, vừa qua, UBND thành phố đã quyết định hỗ trợ cho Trung tâm mở 1 ki-ốt để bán các sản phẩm hoa voan và chổi đót do các em khuyết tật làm ra.
Được biết, từ đầu năm 2016 đến nay, Trung tâm đã đào tạo 6 lớp với các nghề trồng rau an toàn, photoshop, nấu ăn và may công nghiệp từ nguồn kinh phí của Quyết định 46 quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trong đó hỗ trợ đào tạo đối với đối tượng người khuyết tật là 6 triệu đồng/người/khóa học, ngoài ra học viên còn được hỗ trợ tiền ăn và tiền đi lại.
Nguồn kinh phí này đã hỗ trợ rất nhiều cho trẻ khuyết tật đang học tập tại trung tâm. Không chỉ vậy, chúng tôi còn vận động trẻ ở trên địa bàn huyện đến đăng ký học nghề. Trung tâm luôn nỗ lực để trẻ khuyết tật không chỉ được học văn hóa mà còn được hướng nghiệp, học nghề định hướng cho tương lai của chính mình.
Bài, ảnh: VŨ YẾN