(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, có rất nhiều sinh viên trên địa bàn tỉnh tham gia hoạt động kinh doanh đa cấp đã dở khóc dở cười, vì tiền mất tật mang.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vì nghe lời tham gia vào công ty mua bán hàng đa cấp, nữ sinh viên H.T.N.L, Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã phải vay mượn, xin tiền cha mẹ để “đầu tư” một cơ sở bán hàng đa cấp cho Công ty CP Everrichs tại TP.Quảng Ngãi.
Tổng cộng em “đầu tư” 35 triệu đồng để ký hợp đồng mua hàng của công ty đa cấp. Để có tiền mua hàng, người của công ty chỉ cho em nhiều cách nói dối cha mẹ, vay tiền người thân lấy tiền để tham gia mua hàng đa cấp. N.L kể lại: “Họ chỉ dẫn tụi em cách có tiền để mua hàng đa cấp.
Nhiều sinh viên tham gia hoạt động mua bán hàng đa cấp tại Công ty TNHH TM-DV Phước Thành Phú. |
Ví dụ như xin tiền ba, mẹ đóng học phí, xin trước ngay từ đầu năm học. Rồi “mượn gà đẻ trứng”, có nghĩa mượn tiền của người ta để đẻ ra tiền cho mình. “Biết em không có tiền, họ chỉ dẫn em lấy giấy tờ thế chấp tiệm cầm đồ. Em nghe lời đem giấy tờ xe thế chấp để mua gói sản phẩm cao hơn”, nữ sinh viên H.T.N.L. chia sẻ.
Cũng theo nữ sinh viên H.T.N.L, khi biết mình bị mắc lừa nên đã liên hệ với cơ sở bán hàng đa cấp của Công ty CP Everrichs để đòi lại tiền, hủy hợp đồng, nhưng không được chấp nhận. Nghĩ sẽ mất trắng hàng chục triệu đồng mua hàng, nhưng nhờ Phòng CSKT, Công an tỉnh em đã lấy lại được tiền.
Để có thể tham gia vào hệ thống kinh doanh mua bán hàng đa cấp, các sinh viên đều được hướng dẫn mua một sản phẩm nào đó, hoặc đóng một khoản tiền đặt cọc nhất định. Sau khi trở thành thành viên, các sinh viên sẽ tìm mọi cách để bán các sản phẩm mà mình đã mua với giá “cắt cổ”. Ngoài ra, điều quan trọng nhất mà họ phải làm là giới thiệu, cung cấp các thông tin sai lệch để lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới này.
Khi biết mình bị lừa, các sinh viên không đòi lại được tiền, nhưng không dám tố cáo, bởi vì suy nghĩ "lỡ dại", mất rồi chẳng biết kêu ai. Một số sinh viên có tâm lý e ngại với bạn bè, nên cũng cam chịu mất tiền...
Nữ sinh viên Nguyễn Thị Nga kể lại: “Họ tạo cho mình nhiều niềm tin. Tùy theo mỗi đối tượng họ có cách nói chuyện khác nhau. Lần đầu họ tiếp xúc để biết túi tiền, điều kiện, hoàn cảnh của mình như thế nào, họ tiếp cận để đánh vào tâm lý của mình. Ví dụ, sinh viên đó mới ra trường, nhưng không có tiền xin việc thì họ kể bài toán cuộc đời như có 100 triệu đồng, nhưng sẽ tốn rất nhiều chi phí xin việc làm, và làm cả đời sẽ khó lấy lại số tiền đó. Còn ở đây chỉ cần 100 triệu đồng bỏ ra mua gói cao nhất thì nhanh lấy lại, mỗi tháng thu về 6 - 7 triệu đồng. Họ nói cho mình tin Công ty Everrichs đó được lên sàn chứng khoán, có công ty bên Lào, được pháp luật cho phép... để cho mình tin tưởng, đóng tiền tham gia”.
Theo Phòng CSKT, Công an tỉnh cho biết, đơn vị vừa làm rõ nhiều sai phạm của Công ty TNHH TM-DV Phước Thành Phú. Công ty có địa chỉ ở đường Trương Định (TP.Quảng Ngãi), là cơ sở bán hàng đa cấp cho Công ty CP Everrichs ở TP.Hà Nội. Công ty đã dụ dỗ, lôi kéo, yêu cầu nhiều người trong đó có nhiều sinh viên tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng sản phẩm của công ty khi tham gia. Ngoài ra, công ty còn tổ chức đào tạo cho nhiều người tham gia bán hàng đa cấp sai quy định, có dấu hiệu trốn thuế khi bán sản phẩm của công ty cho khách hàng.
Đại tá Nguyễn Hùng Vinh - Trưởng Phòng CSKT Công an tỉnh cho biết thêm: “Ở tỉnh ta, có nhiều trường hợp bán tài sản hay thế chấp để mua sản phẩm đa cấp. Mua hàng về rồi, nhận thấy cái này không lợi liền đem trả lại, nhưng chỗ bán hàng đa cấp người ta không chịu nhận lại hàng. Cuối cùng người mua hàng đành chịu mất tiền”.
Bài, ảnh: THÀNH SỰ