Đào tạo kỹ năng thoát hiểm cho ngư dân

02:11, 24/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hằng năm, số tai nạn lao động trên biển, trong đó tai nạn do lặn ở Quảng Ngãi chiếm tỷ lệ đáng kể và thường để lại hậu quả rất nặng nề cho thợ lặn. Việc mở các lớp đào tạo cấp cứu tai nạn biển và tai nạn lặn cho ngư dân là rất cần thiết.

Kỹ năng tự cấp cứu yếu

Theo thống kê của Sở Y tế, huyện Lý Sơn có 153 phương tiện, với hơn 1.830 lao động hành nghề thai thác hải sản ở độ sâu từ 10 - 70m. Uớc tính, chỉ riêng huyện Lý Sơn, số lượng người tử vong khi gặp tai nạn trên biển từ năm 2005 đến đầu năm 2014 là 66 người, trong đó lặn biển chiếm tỷ lệ đáng kể. Còn Bình Sơn là một trong những huyện có năng lực đánh bắt hải sản lớn, đặc biệt là xã Bình Châu với 306 tàu thuyền, 1.405 lao động hành nghề trên biển.

Ngư dân được hướng dẫn các bước sơ cứu nạn nhân khi gặp tai nạn trên biển.
Ngư dân được hướng dẫn các bước sơ cứu nạn nhân khi gặp tai nạn trên biển.


Đại diện Sở Y tế cho biết, nguyên nhân của tai nạn lặn biển là do thợ lặn chưa được hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn và kỹ thuật lặn chưa an toàn... Trong quá trình khai thác trên biển, ngư dân thường dùng máy nén khí áp lực đặt trên tàu cá, chạy máy nổ nén khí vào bình chứa chịu áp lực khá lớn. Không khí này không được sạch tuyệt đối, được nén dẫn theo hệ thống van đến các ống truyền dẫn khí đến thợ lặn. Mỗi bình chứa được thiết kế từ 3 - 4 van.

Mỗi van cung cấp khí cho 1 thợ lặn. Thợ lặn chỉ lặn trần, chứ không được trang bị quần áo đồng bộ chuyên dụng. Khi người lặn xuống biển có mang theo từ 10- 15kg chì hoặc sắt và họ không dừng lại ở tầng áp nào để điều hòa áp suất. Hiện nay ngư dân lặn ở độ sâu từ 70m trở lên. Sau khi khai thác, thu hoạch hải sản xong, thợ lặn tự bơi ngược lên cho đến khi tiếp cận mặt nước. Với độ sâu, thời gian kéo dài và thực hiện nhiều đợt lặn trong ngày, nên tỷ lệ tai nạn do lặn rất cao. Vì vậy, việc đào tạo kiến thức sơ cứu ban đầu đối với tai nạn do lặn là rất cần thiết.

Chuyên gia tây đào tạo ngư dân ta

Vừa qua, Sở Y tế Quảng Ngãi phối hợp với Tổ chức AFEPS đã đào tạo cấp cứu tai nạn biển và tai nạn lặn cho ngư dân tỉnh Quảng Ngãi. Chương trình thực hiện tại xã Bình Châu từ ngày 16- 18.11 và tại huyện Lý Sơn từ ngày 19 - 24.11.2016.

Tại các lớp học, ngư dân sẽ được chuyên gia ngành y học dưới nước và áp suất cao của Pháp, cùng các cộng sự trong nước hướng dẫn cho ngư dân những kỹ năng căn bản khi gặp những tình huống xấu trong quá trình hành nghề lặn như chảy máu, bỏng, ngạt khí, ngộ độc khí...

Ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt, ngụ thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu cho biết: "Mình đã có 25 năm hành nghề trên biển, nhưng lúc gặp tai nạn chủ yếu sơ cứu theo cách truyền thống, nên tính an toàn không cao. Đến với lớp học này, mình được các chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật sơ cứu người bị nạn một cách khoa học hơn. Từ lớp học này, mình nghĩ ngư dân sẽ bình tĩnh hơn khi xử lý tai nạn trên biển”.

Ông Jean Ruffez điều phối viên Dự án trợ giúp ngư dân lặn biển Việt Nam của AFEPS cho hay: "Quảng Ngãi là một trong những địa phương có đông ngư dân hành nghề lặn biển. Tỷ lệ tử vong, tai biến trong quá trình hành nghề cũng rất cao. Nguồn lợi thủy sản trên biển đang ngày càng khan hiếm, nên muốn tăng sản lượng đánh bắt, buộc ngư dân phải vươn ra khơi xa và lặn ngày càng sâu hơn.

Trong khi đó, các trang thiết bị hành nghề thô sơ, kỹ năng sơ cứu khi gặp tai nạn của ngư dân còn yếu. Vì vậy, thông qua lớp học này, chúng tôi hy vọng ngư dân thành thục việc sơ cấp cứu khi có tai nạn biển, ứng dụng kịp thời và truyền đạt lại cho người khác những kiến thức cơ bản về việc phòng ngừa tai nạn trên biển".

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 


.