(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, nhà ống phát triển khá phổ biến từ thành thị đến nông thôn. Vấn đề đáng lo ngại là ý thức phòng cháy chữa cháy của người dân còn hạn chế trong khi kiểu nhà ống tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ, mất an toàn về PCCC.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ý thức của người dân còn hạn chế
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy nhà ống, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Nhà có hình dạng “nhà ống”, “nhà hộp” thường chỉ có một cửa chính ra vào, nên khi xảy ra hỏa hoạn người trong nhà rất khó thoát ra ngoài, chỉ cần có một nguồn lửa lớn khi bất cẩn sẽ đe dọa đến tính mạng của nhiều người trong gia đình.
Hiểm họa là vậy, nhưng ý thức PCCC của người dân chưa được coi trọng. Anh H. chủ tiệm áo cưới ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) cho biết: “Lâu nay ở nhiều nơi xảy ra cháy cũng thấy sợ. Đúng là việc phòng cháy của mình còn lơ là, sắp tới sẽ mua sắm các dụng cụ PCCC như bình cứu hỏa để trong nhà cho yên tâm".
Nhiều gia đình ở đường Duy Tân đã tận dụng tối đa tầng trệt để kinh doanh nên lối đi rất hẹp, ảnh hưởng đến việc PCCC. |
Theo cán bộ PCCC tỉnh, nhà ống thường có diện tích không lớn, nên thường chỉ có duy nhất một cửa chính ở mặt tiền của ngôi nhà. Cửa này làm rất kiên cố, trước lối ra cửa này thường bố trí các vật dụng như bàn ghế, xe máy, xe ôtô. Do đó nếu xảy ra sự cố cháy, nổ, nhất là vào ban đêm thì hậu quả rất lớn.
Cũng tại tầng một, người dân thường để các vật dụng dễ cháy như bình gas ở nhà bếp và các thiết bị tiêu thụ điện thường xuyên như tủ lạnh, tivi, quạt trần... nên có nhiều nguy cơ phát sinh cháy nổ. Nhiều gia đình kinh doanh buôn bán đã để hàng hóa chiếm gần hết các lối đi, nên khi có cháy người trong nhà rất khó khăn trong việc thoát nạn.
"Khi phát hiện có mùi khét hoặc có cháy trong nhà, phải bình tĩnh hô hoán cho mọi người biết, đồng thời quan sát tình hình đám cháy nhỏ hay lớn để có biện pháp xử lý phù hợp. Nếu cháy lớn, phải nhanh chóng cùng người thân thoát ra ngoài và báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC, số điện thoại 114"... Đại tá Dương Hồng Sơn- Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh. |
Cần trang bị kỹ năng, dụng cụ PCCC
Đại tá Dương Hồng Sơn - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh cho biết, ý thức phòng, chống cháy nổ của người dân chưa cao, còn chủ quan, mất cảnh giác.
Phần lớn các hộ gia đình có nhà ống chưa trang bị phương tiện chữa cháy tối thiểu như bình chữa cháy, dụng cụ trữ nước, dụng cụ phá dỡ. Mặt khác, người dân chưa được trang bị những kỹ năng khi có tình huống cháy, nổ xảy ra.
Trong mỗi hộ gia đình đều tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ như: Sử dụng nhiều thiết bị điện, xăng dầu, gas, quần áo, chăn màn, đồ nội thất... Trong khi đó, ở nhiều khu vực, điều kiện ăn ở, sinh hoạt của người dân chật chội, diện tích nhỏ, khoảng cách không đảm bảo an toàn PCCC. Đó là những lý do gây ra cháy nổ. Để PCCC hiệu quả, từng hộ gia đình, từng người dân phải nâng cao cảnh giác, nhất là các hộ gia đình cần trang bị phương tiện để chữa cháy. Nếu cháy xảy ra thì phải tìm cách dập tắt lửa khi đám cháy nhỏ, đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình...
Theo đại tá Dương Hồng Sơn, khi có cháy xảy ra, bên trong các ngôi nhà ống sẽ xuất hiện nhiều khói, khí độc từ các vật dụng sinh hoạt của gia đình. Do đó, đa số nạn nhân của các vụ cháy nhà ống thường bị chết do ngạt thở. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản khi xảy ra cháy, người dân cần trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy, thoát nạn và trang bị phương tiện PCCC, sử dụng thành thạo phương tiện chữa cháy xách tay.
Bài, ảnh: Bá Sơn