Trợ giúp pháp lý tại tòa

08:10, 07/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc tham gia bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án hình sự tại Tòa án của trợ giúp viên pháp lý, đã góp phần bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

 TAND huyện Sơn Tây vừa xét xử lưu động vụ án hình sự trộm cắp tài sản đối với bị cáo Đinh Văn Mâng (SN 1993) và Đinh Văn Huỳnh (SN 1998) tại Nhà văn hóa xã Sơn Bua (Sơn Tây). Vì trong vụ án có bị cáo là người chưa thành niên, là người đồng bào dân tộc thiểu số, cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nên Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước (TGPLNN) tỉnh đã cử trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) tham gia tố tụng để bào chữa cho các bị cáo.

Một chi tiết khiến những người tham dự phiên tòa không khỏi xót xa, là mặc dù bị cáo mới sinh năm 1993, nhưng đã có 4 người con với 4 phụ nữ khác nhau, nhưng không đăng ký kết hôn với một ai. Điều này khiến Hội đồng xét xử (HĐXX) phải tạm dừng để tuyên truyền, giải thích pháp luật cho bị cáo, cũng như những người tham dự phiên tòa hiểu thêm về quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

 Kết thúc phần tranh luận giữa Viện kiểm sát và TGVPL, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Đinh Văn Mâng 24 tháng tù, tổng hợp hình phạt hai bản án bị cáo Mâng phải chấp hành là 36 tháng tù. Đối với bị cáo Huỳnh là người chưa thành niên, đồng thời là người dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật hạn chế, bị người khác lôi kéo, có vai trò không đáng kể trong vụ án, nên tòa đã tuyên 8 tháng cải tạo không giam giữ.

 Trước đó, TAND huyện Nghĩa Hành đã đưa vụ án hình sự “cướp giật tài sản” xảy ra tại địa bàn huyện Nghĩa Hành ra xét xử. Vụ án này có 5 bị cáo gồm: Phạm Hữu Chiến (SN 1991), Phạm Hữu Hoài Phong (SN 2000) là hai anh em ruột, Lê Duy Lưu (SN1993) xã Hành Minh, Nguyễn Thành Phát (SN 1999) xã Hành Đức, Võ Duy Tuấn (SN 2000) xã Hành Nhân đều thuộc huyện Nghĩa Hành. Các bị cáo Phong, Tuấn, Phát đều là người chưa thành niên, nên theo yêu cầu của gia đình các bị cáo và cơ quan CSĐT Công an huyện Nghĩa Hành, Trung tâm TGPLNN tỉnh đã cử các TGVPL tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo trong vụ án này.

 Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều phiên tòa mà các TGVPL của Trung tâm TGPLNN tỉnh tham gia hỗ trợ cho người phạm tội. Qua đó cho thấy, nhu cầu được TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng nói chung và tố tụng hình sự nói riêng của người đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ vị thành niên, người già, đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh là khá cao. Trong năm 2015, Trung tâm TGPLNN tỉnh đã tiếp nhận 35 vụ việc TGPL do các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn giới thiệu trên tổng số 119 vụ việc TGPL  bằng hình thức tham gia tố tụng của Trung tâm.

Ông Bùi Phú Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm TGPLNN tỉnh, cho biết: Trong hoạt động tố tụng nói chung và hoạt động tố tụng hình sự nói riêng, đội ngũ TGVPL có vai trò hết sức quan trọng, góp phần xác định sự thật khách quan của vụ án, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, bị hại và những người tham gia tố tụng khác, giúp họ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

 Thời gian qua, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Quảng Ngãi đã tích cực chỉ đạo và yêu cầu các cơ quan thành viên Hội đồng thực hiện nhiệm vụ của mình có hiệu quả, đồng bộ. Mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan thành viên Hội đồng trong công tác TGPL thuộc phạm vi hoạt động tố tụng ngày càng chặt chẽ, thể hiện ở việc các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn chủ động phối hợp, tạo điều kiện cho các TGVPL, luật sư, cộng tác viên TGPL của Trung tâm TGPLNN tỉnh tham gia ngay từ đầu.

 Bên cạnh những kết quả đạt được, đội ngũ TGVPL cũng gặp phải những khó khăn làm ảnh hưởng đến kết quả của vụ việc khi tham gia bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích cho bị hại, cũng như những người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự. Nhận thức và sự hiểu biết pháp luật của bị can, bị cáo, người bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan là đối tượng người đồng bào dân tộc thiểu số trong vụ án hình sự còn nhiều hạn chế, chưa nắm bắt hết những nội dung mà TGVPL tham gia bào chữa... Những yếu tố đó ảnh hưởng đến hiệu quả của TGVPL khi tham gia TGPL cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại và những người có liên quan trong các vụ án hình sự.
 

ĐÌNH NGUYÊN
 


.