(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều người bảo chị Cao Thị Ngọc Anh, ở tổ dân phố 6, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) là người đã thắp sáng ngọn lửa nhân ái. Chị luôn năng nổ, nhiệt tình trong công việc và hết lòng giúp đỡ những mảnh đời nghèo khó.
Cụ Huỳnh Thị Mãn (86 tuổi) xúc động nói: “Sức khỏe tôi không được tốt, vì vết thương cũ thường xuyên tái phát. Gia đình lại khó khăn, may mà có chị Anh hỗ trợ mua sữa bồi bổ, nên tôi thấy sức khỏe khá lên”. Từ năm 2011 hằng tháng chị Anh đều đặn gửi 3 lon sữa đặc đến nhà biếu cho cụ Mãn.
Không chỉ riêng cụ Mãn, mà rất nhiều cụ già trong tổ dân phố đều dành cho chị Anh tình cảm đặc biệt, bởi nghĩa cử cao đẹp. Chị Anh chia sẻ: “Trong tổ dân phố có nhiều người già đời sống khó khăn nên mình cảm thấy không được yên lòng. Ở đời, đáng quý là giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn".
Chị Cao Thị Ngọc Anh (bên phải) đến thăm và hỗ trợ sữa cho cụ Huỳnh Thị Mãn. |
Từ năm 2011 đến nay, chị Anh đã hỗ trợ sữa cho 24 người cao tuổi. Không chỉ vậy, cứ nghe ở địa phương có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được giúp đỡ, chị Anh lại tìm đến nhà để động viên và hỗ trợ kịp thời. Cùng với đó, chị đã mở cơ sở mầm non tư thục tại địa phương, qua đó giúp nhiều phụ huynh ở quê gửi con nhỏ để lao động kiếm sống, đồng thời góp phần giải quyết lao động thiếu việc làm ở địa phương.
Năm 2015, chị Anh là cá nhân đầu tiên ở huyện Bình Sơn nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, đó là mẹ Đặng Thị Thung (93 tuổi) ở thôn Tây Thuận, xã Bình Trung. "Tôi chỉ cảm thấy đó là những việc mình nên làm và trong khả năng mình làm được. Việc nhận phụng dưỡng mẹ Thung cũng xuất phát từ ý nghĩ “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những gia đình đã có công với đất nước", chị Anh bộc bạch. |
Chị Anh cho biết, chồng chị là giáo viên cấp III, còn chị ở nhà làm nội trợ, buôn bán nhỏ. Năm 2009, nhận thấy ở địa phương số lượng trẻ độ tuổi mẫu giáo đông, nhưng toàn thị trấn chỉ có một trường mầm non công lập nên số lượng học sinh được tiếp nhận hạn chế.
Thế nên, vợ chồng chị quyết định mở cơ sở mầm non tư thục Thảo Nguyên. Ban đầu chỉ có 3 lớp học, với khoảng 70 học sinh và 9 giáo viên, đến nay có 9 lớp học với trên 300 học sinh. Cơ sở mầm non tư thực Thảo Nguyên giải quyết việc làm cho 26 lao động tại địa phương.
Hầu hết giáo viên, nhân viên tại đây đều có hoàn cảnh khó khăn. Chị Trần Thị Hiền (50 tuổi, nhân viên cấp dưỡng) bộc bạch: "Chồng tôi mất sớm, một mình nuôi 4 đứa con và mẹ già nên gia đình rất khó khăn. Từ ngày được chị Anh nhận vào làm việc, cuộc sống gia đình đỡ vất vả, tôi cũng được đóng bảo hiểm đầy đủ nên rất an tâm, vì thế sẽ cố gắng làm việc để cùng với nhà trường chăm sóc tốt các cháu".
Những việc làm đầy ý nghĩa của chị Anh đã góp phần thắp sáng ngọn lửa của lòng nhân ái ở địa phương. Trong thời gian qua đã có nhiều chị em cũng đã học tập chị Anh, các chi hội, câu lạc bộ của phụ nữ thị trấn triển khai nhận đỡ đầu, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Một số chị em có điều kiện kinh tế khá giả cũng đứng ra nhận đỡ đầu các trường hợp già yếu, neo đơn.
Chị Lữ Thị Thanh Bích – Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Châu Ổ tâm sự: "Bằng tấm lòng của mình chị Ngọc Anh đã giúp đỡ được nhiều mảnh đời nghèo khó và nhân lên sức mạnh của lòng nhân ái. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy và nhân rộng phong trào này".
Bài, ảnh: VŨ YẾN