(Báo Quảng Ngãi)- Thành phố Quảng Ngãi về đêm vẫn nhộn nhịp. Khi ánh đèn đường bật lên, dòng người xuôi ngược về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc thì cũng là lúc nhiều người bắt đầu cho một công việc mưu sinh và kết thúc vào rạng sáng ngày hôm sau...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bao nỗi vất vả
Ở TP.Quảng Ngãi, những hàng quán ăn tối nhiều vô kể, nhưng quán bán ăn khuya, bán xuyên đêm thì không nhiều. Những quán ăn này đều có thâm niên trên 10 năm.
Nằm nép mình ở góc phố đường Lê Trung Đình, quán bún chị Hà giản đơn, với vài chiếc bàn nhỏ, ghế súp, nhưng gần 20 năm qua, quán luôn tấp nập khách. Khi phố phường bắt đầu lên đèn cũng là lúc anh chị cùng nhau dọn hàng quán, mỗi người một việc, nhịp nhàng và nhanh chóng. Chỉ hơn 30 phút, quán ăn nhỏ đã sẵn sàng phục vụ thực khách.
Chị Hà bộc bạch: “Bán quán ăn khuya cực lắm. Người ta ngủ thì mình thức, không có thời gian đi chơi, giải trí, nhưng bù lại ít quán bán hàng đêm nên đỡ phải cạnh tranh, không tốn tiền thuê mặt bằng... Nhờ nồi bún bán khuya này mà gia đình tôi mới có tiền nuôi 2 đứa con gái ăn học”.
Vợ chồng chị Hà quê ở Huế. Khi mới lấy nhau, anh Tiến (chồng chị Hà) phải vào Quảng Ngãi mưu sinh bằng nghề kim hoàng. Sau đó vì lý do sức khỏe, anh phải bỏ nghề, vậy là chị theo anh vào đây lập nghiệp, mở quán bún. Là người gốc Huế, nên cách nêm nếm của chị Hà rất đậm đà, mang lại hương vị thơm ngon, đặc trưng. Để có được nồi bún bán khuya, hai vợ chồng chị Hà đã phải tất bật từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều để sơ chế, nấu nướng, tầm 6 giờ tối là bắt đầu dọn quán và bán đến 2, 3 giờ sáng ngày hôm sau.
Tuy cực nhọc nhưng nhờ xe hủ tiếu bán đêm này mà vợ chồng anh Thạnh đã xây được căn nhà nhỏ, có tiền nuôi các con ăn học. |
Là người có kinh nghiệm bán ăn khuya hơn 25 năm, anh Nguyễn Ngọc Thạnh, quê ở Đức Phổ đã đi phụ bán hủ tiếu ở Sài Gòn khi chỉ mới 15 tuổi. Bươn chải nuôi thân, học nghề bán hủ tiếu từ người bác họ, năm 30 tuổi, anh quyết định về quê, cùng đi bán hủ tiếu với người vợ mới cưới. Có chút ít vốn mua chiếc xe đẩy, cứ thế, hai vợ chồng anh đẩy bán ở khắp các con hẻm của TP.Quảng Ngãi.
Sau vài tháng đẩy xe, được hiệu buôn lớn trên đường Quang Trung thương tình, họ cho vợ chồng anh bày bán trước nhà. “Khi nào người ta đóng cửa, nghỉ bán thì mình mới dọn, mở hàng, khoảng 7 giờ tối. Hai vợ chồng đứng đây bán cũng tròn chục năm rồi. Nghề này tuy không nặng nhọc, nhưng rất vất vả, dễ mất sức...”, anh Thạnh chia sẻ.
Niềm vui lúc nửa đêm
Trung bình mỗi đêm, quán bún, hủ tiếu của chị Hà, anh Thạnh bán từ 300-400 tô. Khoảng tầm từ 7-10 giờ tối là lúc khách ăn đông nhất, thường là gia đình, các đôi bạn trẻ... Từ 11 giờ đêm, càng về khuya, khách ăn thưa thớt dần, chủ yếu là những người làm về muộn, trực đêm, lái xe...
Đêm muộn, nhịp sống chậm dần, bởi thế mà nỗi lòng cũng dễ dàng giãi bày, từ những người xa lạ, người bán, người ăn, họ dần dần như những người bạn. Anh Thạnh trải lòng: “Khuya, ít khách mà khách nào cũng toàn quen cả, như chú công an trực đêm, anh lái taxi, người bán hàng ở bờ kè... ăn hoài, rồi như thành bạn bè, khẩu vị mấy ông đó ra sao, mình đều nhớ hết”.
Như anh Trần Hoàng, bán hàng ở chợ đêm bờ kè cầu Trà Khúc, cứ kết thúc ngày làm việc, lúc nào cũng ghé quán ông Thạnh ăn tô hủ tiếu. "So với bún, cháo thì hủ tiếu là bình dân nhất, chỉ 12 nghìn đồng/tô. Ăn hoài thành thân quen, vừa ăn vừa tâm tình như người thân trong nhà vậy”, anh Hoàng cho hay.
Đêm xuống, ai cũng vội vã về nhà sau một ngày làm việc vất vả, nhưng với những người bán quán ăn đêm, đó mới là thời điểm họ làm việc cật lực nhất. Công việc mưu sinh đời thường, nhưng "cất giấu" biết bao nỗi niềm của người khác, bởi thế mà thành duyên nợ, cái nghiệp, không từ bỏ được.
“Thức khuya hoài nhọc người quá thì thi thoảng nghỉ bán một vài hôm, thế mà nào có ngủ ngon giấc. Tối đến lại nhớ ánh đèn đường, nhớ những câu chuyện tâm tình buồn vui lúc đêm khuya với khách. Nghề này lắm nỗi nhọc nhằn, nhưng đã gắn bó rồi thì không đành bỏ”, chị Hà chia sẻ.
Bài, ảnh: HIỀN THU