(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, Hội LHPN các cấp của huyện Tư Nghĩa luôn tích cực học tập và làm theo Bác bằng nhiều mô hình thiết thực, như xây dựng hũ gạo tiết kiệm, ống tiền tiết kiệm...
Chị Hồ Thị Ngọc Duyên - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tư Nghĩa, cho biết: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, nhằm giúp cho cán bộ, hội viên, phụ nữ nhận thức sâu sắc hơn nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh để có nhiều việc làm ý nghĩa.
Trên cơ sở đó, các cấp Hội đã xây dựng các mô hình làm theo phù hợp với địa phương, như mô hình: “Hũ gạo tiết kiệm”, “Ống tiền tiết kiệm”. Đến nay đã thành lập được 64 hũ gạo tiết kiệm tại máy xay xát, gần 13 nghìn hũ gạo tại nhà và 1.200 ống tiền tiết kiệm. Nhiều địa phương thực hiện có hiệu quả việc này như xã Nghĩa Trung, Nghĩa Thương, Nghĩa Thắng...
Mô hình hũ gạo tiết kiệm của phụ nữ xã Nghĩa Thương. |
Chị Lê Thị Ngọc Ánh - Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Thương, phấn khởi nói: Hội đã vận động chị em tham gia mô hình hũ gạo tiết kiệm tại 22 máy xay xát. Sau một năm đầu thực hiện đã thu được 1.200kg gạo và năm sau luôn cao hơn năm trước. Riêng 9 tháng năm 2016, đã thu được 1.900kg gạo. Như vậy, sau 5 năm phát động đã thu được gần 9.000kg gạo, hỗ trợ cho trên 450 hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Số gạo còn lại các chị để dự phòng, bán mua cấp heo giống cho chị em. “Lúc đầu thực hiện mô hình hũ gạo tiết kiệm gặp nhiều khó khăn, vì nhiều chị chưa hình dung và chưa thấy được hiệu quả của mô hình. Sau một thời gian tuyên truyền, hội và chị em phụ nữ trong xã đã thấy được hiệu quả nên tích cực tham gia”, chị Ánh, chia sẻ.
Trong 5 năm qua, từ mô hình hũ gạo tiết kiệm và ống tiền tiết kiệm, Hội LHPN các cấp ở Tư Nghĩa đã thu được gần 90 nghìn kilôgam gạo và trên 437 triệu đồng, giúp cho 872 chị phụ nữ nghèo, hội viên; trong đó tặng 13 sổ tiết kiệm, 17 heo giống và 2 con bò sinh kế cho hội viên, phụ nữ nghèo. |
Kết quả đó phần lớn nhờ vào sự nhiệt tình và trách nhiệm của các chị đứng đầu các chi, tổ hội phụ nữ trong xã, họ là những người trực tiếp gần gũi, nắm bắt được cuộc sống và tâm tư của hội viên. Bà Trần Thị Hương - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Điện An 2 (xã Nghĩa Thương), thổ lộ: Lúc đầu có những chị kiên quyết không thực hiện.
Nhưng các chị đến nhà vận động và nói về hiệu quả của việc thực hiện mô hình, nên các chị đều tự nguyện tham gia. Số gạo thu được ban đầu được Hội LHPN xã cấp phát cho những hộ nghèo, hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Nhờ vậy, mỗi lần máy gạo, các chị đã bớt đi một nắm bỏ vào hũ gạo tiết kiệm tại máy xay xát.
Bà Đào Thị Cúc (60 tuổi), chủ máy xay xát, bộc bạch: Trung bình mỗi tháng máy xay xát của bà thu gom được khoảng 30kg gạo. Thường thì vào mùa mưa, người dân trên địa bàn xã vào Nam để mưu sinh. Vì vậy, những lúc thấy gạo thu gom ít, tôi lại lấy vài ký gạo của gia đình bỏ vào hũ gạo tiết kiệm, những mong ngày càng có nhiều hội viên, phụ nữ nghèo được giúp đỡ. Chị Trần Thị Mận (45 tuổi) xúc động kể về hoàn cảnh gia đình của mình và vui mừng khi được Hội LHPN xã hỗ trợ heo giống làm kế sinh nhai. Vì hoàn cảnh, chị Mận tự túc được cậu con trai năm nay đã được 8 tuổi. Ngoài việc một mình nuôi con, chị còn chăm sóc người anh trai bệnh tật. Cả 3 miệng ăn đều dựa vào 2 sào đất ruộng của gia đình. Thấu hiểu được hoàn cảnh của gia đình chị Mận, nên chị em hội viên, phụ nữ trong xã luôn quan tâm, động viên thăm hỏi. Đầu tháng 3.2016, Hội LHPN xã cấp cho chị 1 con heo giống từ số tiền bán gạo thu được.
Những hành động đẹp của các hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện Tư Nghĩa nói chung và xã Nghĩa Thương nói riêng đã góp phần đáng kể vào việc sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh, giúp các chị vươn lên phát triển kinh tế gia đình, chăm lo việc học hành cho con cái, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động xã hội ở địa phương.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG