Hạ tầng thoát nước đô thị Quảng Ngãi: Vừa thiếu lại vừa yếu

08:09, 29/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Một đô thị hiện đại ngoài đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị về cây xanh, vỉa hè thì hệ thống thoát nước là một trong những yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, chỉ một trận mưa lớn xảy ra và kéo dài vài giờ, nhiều tuyến đường trở thành "sông", giao thông ách tắc. Đó là tình trạng hiện nay ở TP. Quảng Ngãi.
 
Mưa xuống là ngập

Khu vực ngã năm cũ giao nhau giữa các tuyến đường Trần Hưng Đạo – Phan Châu Trinh –Nguyễn Công Phương- Nguyễn Nghiêm không chỉ là nỗi ám ảnh tình trạng kẹt xe, nơi đây còn là “vùng trũng” khi mà nhiều năm qua, cứ mùa mưa đến là khu vực trên lại trở thành “sông”.

Nguyên nhân là do khu vực này thấp, nên nước từ các ngả đường “dội” về mỗi khi trời đổ mưa. Trong khi đó, hệ thống cống thoát nước được đầu tư xây dựng cách đây hàng chục năm, nên dù có duy tu, sửa chữa, vẫn không thể thoát hết nước nhanh khi có mưa lớn. Nhiều lúc, tại khu vực này, nước ngập sâu đến hơn nửa bánh xe máy và phải mất vài giờ sau khi mưa dứt thì nước mới rút hết.

Không chỉ thoát không hết nước, mà tại nhiều tuyến phố tình trạng đường rộng thông thoáng, nhưng người dân vẫn phải “tát nước”, làm “đê ngăn nước” không cho nước chảy vào nhà vẫn xảy ra. Điển hình như các tuyến đường Nguyễn Công Phương, Nguyễn Chí Thanh, Bắc Sơn... Nguyên nhân là do các tuyến đường trên chưa được đầu tư hệ thống cống thoát nước, nên mỗi khi có mưa lớn là con đường ngập nước, nhiều nơi nước không thoát được tràn vào nhà dân.

Giải "bài toán" ngập nước phải có sự đồng bộ

Hệ thống thoát nước là một trong những yêu cầu bắt buộc để “chấm điểm” đô thị. Thế nhưng, tình trạng ngập nước, không thoát kịp nước dẫn đến nhiều tuyến đường bị ngập cục bộ là “điểm trừ” đối với đô thị loại II - TP. Quảng Ngãi.

Theo ông Nguyễn Văn Nguyên - Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP.Quảng Ngãi, nguyên nhân dẫn đến khu vực ngã năm cũ trở thành “túi nước” là do hệ thống thoát nước tại các tuyến như Phan Châu Trinh hay Nguyễn Nghiêm được đầu tư cách đây hơn 50 năm nên xuống cấp, cộng với đó là nước từ các tuyến đường lại dồn hết về khu vực này, nên mới xảy ra tình trạng ngập cục bộ.

“Hiện nay, mỗi khi mùa mưa đến chúng tôi thường cử anh em đi khảo sát, kiểm tra trên các khu vực có nguy cơ ngập để có biện pháp khắc phục. Đồng thời, tiến hành khơi thông cống, để đảm bảo lượng nước mưa thoát đi nhanh nhất. Chúng tôi thừa nhận là có ngập cục bộ tại một số nơi do mưa lớn, nhưng đó chỉ là số ít và TP.Quảng Ngãi sẽ khắc phục trong thời gian sớm nhất” – ông Nguyên nói.

Cũng theo ông Nguyên, cái khó hiện nay là một số tuyến đường nằm trong quy hoạch, nhưng chưa được đầu tư dẫn đến hệ thống thoát nước cũng không thể thực hiện được, nên không thể đấu nối vào hệ thống thoát nước chung, dẫn đến ngập cục bộ. Nếu hoàn thiện hệ thống thoát nước chung, dù mưa có lớn thì vẫn đảm bảo không có ngập. Lý do là hai hồ chứa nước để xứ lý nước mưa là hồ Điều hòa và Bầu Cả đang cho thấy sức chứa khá tốt.

“Đối với các tuyến đường người dân phải “đắp đê” như Nguyễn Công Phương hay Nguyễn Chí Thanh là do hiện nay còn vướng đền bù, nên không thể thi công được hệ thống thoát nước mà chỉ giải quyết tình thế, dẫn đến ngập cục bộ. Nếu giải quyết xong vướng mắc về đền bù, TP.Quảng Ngãi sẽ đầu tư hệ thống thoát nước ở các tuyến đường này”, ông Nguyên cho biết.

LÊ ĐỨC
 


.