Báo động vấn nạn tự tử

09:09, 29/09/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Sự sống của con người là vô giá, vậy mà, ngày càng có nhiều người phải tự kết liễu đời mình. Là cái chết mang theo nhiều uất ức, hận thù, để lại nỗi bàng hoàng, xót xa, day dứt khôn nguôi cho những người còn sống.

TIN LIÊN QUAN

Những cái chết “nông nổi”


Một ngày ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tôi không khỏi xót xa trước hình ảnh em H đến từ một vùng quê ở huyện Sơn Tịnh đang cấp cứu trong tình trạng sùi bọt mép, vật vã, nguy kịch, vì một phút dại dột đã chọn thuốc trừ cỏ để tự kết liễu đời mình.

H nằm trên giường bệnh, cha và mẹ ở ngoài hành lang phòng bệnh run rẩy, đau đớn, bất lực nghẹn ngào kể về H câu được câu mất. H là đứa trẻ thiệt thòi từ thuở ấu thơ khi phải xa mẹ ruột từ lúc còn lọt lòng, vì mẹ lâm bệnh.

Chỉ vì những xích mích, khuất mắc trong cuộc sống thường ngày giữa mẹ kế con chồng, uất ức từ những câu nói nặng lời trong lúc nóng nảy của người thân trong gia đình, cộng với sự thiếu thốn tình cảm của mẹ, thoáng chút bồng bột, nông nổi, H đã uống cả chai thuốc diệt cỏ dại tự tử.

 

Ngày càng nhiều người ở nông thôn chọn thuốc trừ cỏ để tự kết liễu đời mình.
Ngày càng nhiều người ở nông thôn chọn thuốc trừ cỏ để tự kết liễu đời mình.


Sau 2 ngày chống chọi, dù đã được các y, bác sỹ của Bệnh viên Đa khoa tỉnh rồi Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng tận tình cứu chữa, nhưng H đã không qua khỏi, vì chất độc đã ngấm toàn bộ cơ quan, gây suy đa phủ tạng.

Vụ việc em T, học sinh lớp 9, ở huyện Sơn Tịnh uống thuốc tự tử sau khi bị công an xã mời lên làm việc, vì bị nghi ngờ trộm cắp cũng khiến chúng ta không khỏi xót xa.

Sau 2 ngày từ công an xã trở về, T đã chọn cái chết để chứng tỏ sự trong sáng của mình, em uống thuốc cỏ tự tử, để lại lá thư tuyệt mệnh. "Mang nỗi oan ức vào người nhưng chẳng có ai tin, nên con xin lỗi ba má con đi trước đây. Sống không bằng chết".

Dẫu biết đời người không thể không thoát được sinh, lão, bệnh, tử. Thế nhưng với những người đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời, với bao dự định ước mơ còn dang dở, sự ra đi trong uất ức của em H, em T để lại nỗi bàng hoàng, xót xa không thể nói thành lời cho những người thân trong gia đình.

Báo động!

Trong phút túng quẫn, nhiều người đã chọn về với cõi vĩnh hằng bằng chai thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, tẩm xăng thiêu đốt, nhảy sông, nhảy cầu, treo cổ, dí điện vào người,… hay ở vùng cao đồng bào thường chọn lá ngón.

 

Trầm cảm, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự tử. Ảnh: Internet.
Trầm cảm, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự tử. Ảnh: Internet.

 

Ngày nay, mỗi sáng thức dậy lật dở các trang báo, mở mạng liên tiếp các vụ tự tử xảy ra. Bi thảm hơn có những vụ tự tử gây rúng động dư luận như người vợ vì oán hận chồng hay ngược lại mà kéo theo cả đàn con thơ cùng chung số phận.

Tự tử đang trở thành hiện tượng đáng báo động. Những cái chết được gọi tên là nông nổi, dại dột, vô nghĩa… Người chết là hết, nhưng để lại cho người còn sống nỗi ám ảnh, day dứt khôn nguôi và bao hệ lụy cho xã hội.

Theo bác sỹ Đặng Trong- Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử (tự sát) như rối loạn trầm cảm nặng do sang chấn tâm lý nặng nề, cú sốc đầu đời; thất vọng, đau khổ quá mức do thua lỗ trong làm ăn, hôn nhân tình yêu đổ vỡ, kết quả học tập kém; hoang tưởng ảo giác chi phối, do bệnh cơ thể nặng, người bị nghiện ma túy, nghiện rượu…

Trong đó, phần lớn là do rối loạn trầm cảm nặng bởi một “cú sốc” nào đó trong cuộc sống hoặc công việc, họ trải qua những tháng ngày căng thẳng, mệt mỏi, lo nghĩ (còn gọi là stress), sầu uất, buồn bã, cô quạnh mà không có giải pháp để giải thoát.

Số liệu thống kê mới nhất từ Bệnh viện Tâm thần Trung ương, mỗi năm Việt Nam có đến 36.000- 40.000 người tự tử vì trầm cảm. Một con số đáng báo động, gấp 3- 4 lần số nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông.

 

Bình tĩnh, chấp nhận stress

Bác sỹ Đặng Trong: “Cuộc sống ngày càng hiện đại, việc gặp stress trong cuộc sống hàng ngày và công việc là điều không thể tránh khỏi, phải biết chấp nhận nó là một phần tất yếu của cuộc sống.

Khi gặp stress hãy bình tĩnh chia sẻ với người thân trong gia đình, bạn bè, gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực, thay vào đó bằng những ý tưởng tích cực để có biện pháp làm giảm sự tác hại của nó. Ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, thường xuyên tập luyện, tham gia các hoạt động thể dục thể thao, giải trí.

Với những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần, tốt nhất người nhà đưa bệnh nhân đến bệnh viện chuyên khoa để được điều trị và theo dõi phòng ngừa 24/24; liệu pháp tâm lý nâng đỡ cần phải tiếp tục sử dụng với sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng, nhằm giúp cho bệnh nhân thoát khỏi tác động của sang chấn tâm lý”.



Bài, ảnh: PV
 


.