(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế, người CCB này còn xông xáo trong công tác hội, đoàn thể ở địa phương. Đó là thương binh 2/4 Bùi Hữu Nghĩa (68 tuổi) ở phường Nghĩa Lộ (TP. Quảng Ngãi).
Phủ xanh đồi trọc
Tiếp chúng tôi bên bàn trà vào một buổi chiều cuối tháng bảy, thương binh 2/4 Bùi Hữu Nghĩa ở phường Nghĩa Lộ (TP. Quảng Ngãi) kể về công cuộc trồng rừng, làm giàu của bản thân. Năm 1992, ông nghỉ hưu khi mới 43 tuổi. Lúc này gia đình có 5 người, vợ làm y tá ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh lương chẳng đáng là bao, nên cuộc sống bấp bênh.
Cựu chiến binh Bùi Hữu Nghĩa hồ hởi kể về những ngày tham gia hội nghị biểu dương Người có công toàn quốc vừa diễn ra. |
Để lo cuộc sống gia đình, ông tìm đủ cách để làm kinh tế, như chăn nuôi gia súc, gia cầm, kiếm mối chở hàng thuê, rồi gắn bó với rừng... “Tôi gốc nông dân, lại gắn bó với núi rừng nên mãi rồi cũng quay về với rừng thôi”, ông Nghĩa bảo vậy. Năm 1994, ông trở lại vùng đất trước đây từng tham gia chiến đấu để khai hoang trồng rừng. Đó là khu vực giáp ranh giữa hai huyện Sơn Tịnh và Bình Sơn, địa thế hiểm trở, đất đai bạc màu, sỏi đá, không có đường đi... nhưng với quyết tâm của người lính, ông Nghĩa đã gieo những hạt mầm đầu tiên cho công cuộc phủ xanh đồi núi trọc của mình.
Thời điểm đó, người dân trong vùng bảo ông “có vấn đề mới bỏ tiền vào vùng núi hiểm đó”. Bỏ ngoài tai lời ra tiếng vào, ông và vợ cần mẫn cùng nhau phát quang gần 30ha đồi núi, cải tạo đất, trồng điều, keo lai... nuôi bò, dê, gà để làm vốn “lấy ngắn nuôi dài”. Kết quả sau 10 năm, vùng đồi cằn cỗi đã được phủ lên một màu xanh mướt. Năm 2004, đợt thu hoạch gỗ keo đầu tiên, vợ chồng ông thu về 250 triệu đồng.
Ông Nghĩa, kể: “Số tiền đó không bằng những gì gia đình bỏ ra trong 10 năm, nhưng là thành quả lao động và đất không phụ công chăm bón”. Nhưng rồi, đến vụ keo thứ 2 khi cây vừa chớm cao lớn thì cơn bão số 9 năm 2009 quét qua làm gãy đổ toàn bộ. Không nản chí, vợ chồng ông thu dọn cây gãy đổ rồi tiếp tục đầu tư trồng rừng và xây dựng trang trại.
Với sự quyết tâm đó, mà giờ vùng “núi hiểm” ngày ấy đã mang lại cho gia đình ông tài sản ước tính cả tỷ đồng, doanh thu hằng năm trên 100 triệu đồng. Đến nay, dù tuổi đã cao, nhưng hằng ngày ông vẫn vượt gần 30km đường để đến với trang trại của mình.
Ấm tình đồng đội
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông luôn nhắc về đồng chí, đồng đội của mình, những câu chuyện về một thời binh nghiệp. Vốn là cán bộ quân y, nên những kỷ niệm của ông đều gắn với những người thương binh ở khắp các vùng miền của Tổ quốc, cả những lần ông tự tay đưa đồng đội mình hy sinh đi chôn cất. Ngày đất nước hòa bình, ông không quản ngại khó khăn để đi tìm hài cốt của những người lính ngày ấy, để họ có thể trở về với gia đình, hay được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ.
Đã có 11 bộ hài cốt được ông tìm thấy đã mang lại niềm vui cho nhiều thân nhân liệt sĩ. “Công việc tìm mộ vất vả lắm. Có một người lính mà tôi nhớ mãi. Anh người miền Bắc bị thương, nhưng không qua khỏi. Đợt ấy, giặc càn vào đơn vị, tôi cõng xác anh ấy vượt rừng xuống làng, rồi chôn anh ấy cạnh khu mộ lúc đó chỉ có dăm bảy cái”, ông Nghĩa kể. Sau ngày giải phóng, ông dự định sẽ quay lại bốc mộ cho bạn nhưng gần 15 năm sau, công việc đó mới được thực hiện khi người nhà của người lính đó tìm đến ông. Quay lại nơi chôn bạn, dăm bảy ngôi mộ xưa giờ đã thành vài trăm mộ, bằng trí nhớ của mình ông đã chỉ chính xác nơi bạn mình nằm xuống.
Ông Nghĩa là hội viên Hội CCB phường Nghĩa Lộ. Suốt 15 năm qua, ông cùng đồng đội xây dựng Quỹ vì đồng đội trên 39 triệu đồng; tích cực đóng góp vào Quỹ khuyến học, Quỹ đền ơn đáp nghĩa... của phường. Từ những việc làm đó, ông Nghĩa vinh dự được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Vừa qua, ông đại diện cho người có công trong tỉnh tham dự Hội nghị biểu dương Người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc. “Là một người lính thì phải làm thế nào đó để xứng đáng với danh xưng Bộ đội Cụ Hồ”, ông Nghĩa bộc bạch.
Bài, ảnh: XUÂN HIẾU