Chỉ có học mới thoát nghèo

05:08, 13/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là chia sẻ của em Trần Văn Lâm (20 tuổi) ở thôn Thu Xà, xã Nghĩa Dõng (TP. Quảng Ngãi). Với quyết tâm đó, Lâm không chỉ học giỏi trong những năm học phổ thông, mà còn đạt thành tích cao trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016.

Gác chuyện học để lo đạo làm con

Ngôi nhà "Đại đoàn kết" vỏn vẹn 20m² của hai mẹ con Lâm nằm sát bên mép sông. Khi chúng tôi đến, Lâm đang cào don ở nhánh sông Trà Khúc gần nhà. Trò chuyện cùng tôi, Lâm nói: Em tranh thủ thời gian vừa tốt nghiệp THPT để đi làm thêm đỡ đần cho mẹ. Vì mẹ mắc bệnh thiếu máu não nên sức khỏe rất yếu, chỉ có thể làm việc nhẹ. Vì thế, những công việc nặng nhọc trong gia đình Lâm đều phải gách vác. 

Vất vả là vậy, nhưng em vẫn đến trường, coi đấy là niềm vui của mẹ và là tương lai của bản thân. Lau những giọt mồ hôi trên đôi gò má rám nắng, Lâm chợt buồn, kể: "Năm học lớp 8, bệnh tình của mẹ ngày càng nghiêm trọng. Do đó, em đành gác ước mơ được đến lớp mỗi ngày để vào Sài Gòn làm thuê kiếm tiền lo thuốc cho mẹ".

 Tranh thủ thời gian rảnh, Lâm cùng mẹ đan võng kiếm thêm thu nhập.
Tranh thủ thời gian rảnh, Lâm cùng mẹ đan võng kiếm thêm thu nhập.


Ở cái tuổi 14, Lâm đã trở thành trụ cột gia đình. Em theo một người bà con vào Sài Gòn làm việc ở một cơ sở sản xuất đồ nhôm. Hằng ngày em phải hít nhiều khí độc hại từ nhôm thải ra, nhưng nghĩ đến những cơn đau của mẹ, em không cho phép mình bỏ cuộc.

Mỗi tháng kiếm được 1,2 triệu đồng, em đều gửi hết về cho mẹ chữa bệnh. Lâm tâm sự: "Lúc đó, em nghĩ phải đi làm kiếm tiền phụ mẹ chữa bệnh. Khi mẹ bớt bệnh thì mới có thể tiếp tục ở bên em và em mới có thể đi học lại được".

Khi có được ít tiền, Lâm không an tâm để mẹ ở nhà một mình, nên về quê xin làm phục vụ quán cà phê. Cứ vậy, sáng đi làm mãi đến tận tối khuya mới về nhà. Và rồi, những cố gắng của Lâm cũng đã giúp bệnh tình của mẹ đỡ hơn, nên Lâm xin phép mẹ để tiếp tục được đi học.

Học giỏi để thoát nghèo

"Em không ngại học với các em nhỏ tuổi hơn đâu, chỉ cần được đi học lại là vui rồi!", Lâm chia sẻ. Để được đến trường, ngoài thời gian học trên lớp, Lâm còn tranh thủ đi làm thêm. Ai thuê gì làm đó, nếu không có người thuê thì em tranh thủ đan võng, cào don để bán kiếm tiền giúp mẹ đong gạo, mua sách vở. Có hôm trưa nắng gắt, vừa ôm cặp về nhà, thấy con nước xuống, Lâm vội vã cầm dụng cụ ra sông cào don.

Những ngày lễ, Tết Lâm dành toàn bộ thời gian xin đi làm thêm ở các quán ăn. "Từ nhỏ đến lớn, hầu như thằng bé chưa có cái Tết nào trọn vẹn. Nó không đi chơi với bạn bè, mà tranh thủ đi làm thêm kiếm ít tiền để dành phụ tôi mua thuốc", chị Đặng khẽ lau nước mắt, khi nghĩ về đứa con trai của mình.

Nhà nghèo, mẹ lại đau ốm nên Lâm không có tiền đi học thêm như chúng bạn. Không than trách với ai, Lâm tự mình cố gắng tự học và giải nhiều bài tập khó ở nhà. Giấc ngủ đối với Lâm là thứ rất xa xỉ, vì đêm nào em cũng dành vào việc học. Trước kỳ thi THPT Quốc gia 2016 là khoảng thời gian khắc nghiệt nhất đối với em. Ban ngày em tranh thủ làm thuê kiếm tiền, chỉ có ban đêm em mới có thể toàn tâm cho việc ôn luyện. Sợ không đủ kiến thức, em tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học bài, đến nỗi cái mũi bị viêm của em chảy máu, lên cơn đau, nhưng em vẫn quyết tâm thức trắng đêm để học.

Nhờ sự cố gắng đó đã giúp Lâm đạt thành tích xuất sắc trong học tập trong những năm cấp ba tại Trường THPT Thu Xà, em còn đạt nhiều giải thưởng cấp tỉnh như: Giải khuyến khích trong kỳ thi Toán, học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh; giải nhì kỳ thi giải Toán trên máy tính cầm tay cấp tỉnh.

Tại kỳ thi THPT Quốc gia 2016, Lâm đạt 24,2 điểm ở khối A, với Toán 9 điểm, Lý 8 điểm và Hóa 7,2 điểm. "Em đang phân vân trong việc chọn trường, học Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ chí Minh thì không tốn học phí; còn Trường Đại học Kinh tế là trường em muốn học, nhưng lại lấy đâu ra tiền để học, vì bệnh tình của mẹ vẫn chưa thuyên giảm hẳn", Lâm bộc bạch.


Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG


 


.