(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, từ nhiều nguồn vốn đầu tư, diện mạo cơ sở hạ tầng của huyện vùng cao Tây Trà có những đổi thay tích cực. Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên đặc thù, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số nên địa phương vẫn nằm trong diện nghèo nhất nước. Để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Tây Trà cần một nguồn lực đầu tư lớn, nhất là lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Tuy mới vài trận mưa núi trong những ngày qua mà đoạn đường từ Eo Chim vào trung tâm xã Trà Nham trở nên lầy lội. Những chiếc xe tải chở keo chậm chạp qua những hố bùn lầy. Còn xe máy thì khốn khổ, hết lách qua những tảng đá lớn rồi phải vượt qua những hố bùn sâu.
Ông Hồ Văn Lợi, một người dân sống trên đoạn đường này ngao ngán: Mùa nắng thì còn đi được, mùa mưa chỉ cần một trận mưa coi như khốn khổ, bởi bùn lầy và nước chảy xói lở, gây ra nhiều vụ ngã xe. Nghe nói Nhà nước bố trí vốn làm đường này, nhưng bao nhiêu năm rồi nay vẫn vậy. Không biết đến bao giờ chúng tôi mới có được đoạn đường nhựa để đi lại thuận tiện hơn.
Đường từ Eo Chim đi xã Trà Nham chưa được nhựa hóa nên việc đi lại hết sức khó khăn. |
Chia sẻ với chúng tôi về thực trạng này, ông Hoàng Như Lâm- Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà, cho biết: Đường Eo Chim - Trà Nham là tuyến đường chính duy nhất từ huyện về xã ở Tây Trà chưa được nhựa hóa. Do đó, rất khó khăn cho việc đi lại cũng như thông thương hàng hóa, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của người dân.
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường này là rất cấp bách, nhằm tạo điều kiện giao thông thuận lợi đến trung tâm xã; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo cho nhân dân trong vùng, giữ vững an ninh quốc phòng cho khu vực, kịp thời cứu trợ cho người dân khi có tình huống khẩn cấp.
Sau 12 năm thành lập, diện mạo vùng cao Tây Trà đã có những bước khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện. Tuy vậy, tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn rất cao. Hết năm 2015, tỉ lệ hộ nghèo của huyện hơn 53%. Nếu theo chuẩn mới giai đoạn 2016 – 2020 thì tỉ lệ hộ nghèo lên đến gần 80%. Do vậy việc đầu tư cho Tây Trà cần phải được quan tâm trong thời gian đến, đặc biệt là những công trình hạ tầng giao thông cấp thiết. |
Ngoài tuyến đường Eo Chim- Trà Nham, các tuyến đường nội vùng trong các khu tái định cư thuộc dự án Hồ chứa nước Nước Trong, gồm các xã Trà Thọ, Trà Xinh, Trà Phong cũng chưa được đầu tư.
Việc nhường đất cho dự án để vào các khu tái định cư, nhưng hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân tại các khu tái định cư.
Tây Trà có địa hình đồi núi, mùa mưa nhiều tuyến đường từ huyện về các xã thường xuyên sạt lở, cô lập. Tuyến đường từ Trà Thọ - Trà Lãnh – trung tâm huyện thường xuyên bị sự cố sạt lở, tắc đường.
Tuyến đường từ Trà Thọ về trung tâm huyện, không những dài khoảng 24km mà còn cách trở bởi sông Hà Riềng. Vì vậy, người dân nơi đây mong muốn có một cây cầu qua sông Hà Riềng (xã Trà Phong) để việc đi lại, giao lưu trao đổi hàng hóa thuận tiện, góp phần nâng cao đời sống người dân. Vào mùa, việc vận chuyển các mặt hàng trợ cấp, cứu thương khi có người ốm đau lên tuyến y tế huyện, thực hiện cứu hộ khẩn cấp khi có tình huống xảy ra trong mùa mưa bão cũng thuận tiện hơn.
Hơn nữa, khi có cây cầu thì từ UBND xã Trà Thọ đến trung tâm huyện, sẽ được rút ngắn từ 24km xuống còn 11km, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân đang sinh sống tại các khu tái định cư và sống dọc tuyến đường có điều kiện phát triển kinh tế.
Một công trình khác cũng cần được sớm đầu tư xây dựng, đó là cầu Sông Riềng thuộc thôn Sơn, xã Trà Khê. Đây là khu vực giáp ranh với tỉnh Quảng Nam, xa trung tâm và dễ bị cô lập vào mùa mưa. Từ bao đời nay, người dân thôn Sơn luôn mơ ước có một cây cầu để đi lại, vận chuyển hàng hóa, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, và nhất là phục vụ cho công tác quản lý an ninh trật tự vùng giáp ranh giữa huyện Tây Trà và huyện Bắc Trà My (Quảng Nam).
Theo Đề án phát triển đô thị của tỉnh, đến 2020 tất cả các trung tâm huyện phải đạt tiêu chí đô thị loại V. Tuy nhiên, để trung tâm huyện Tây Trà đạt được tiêu chí đô thị loại V thì, cần một nguồn lực đầu tư rất lớn. Trước mắt, huyện mong muốn có nguồn kinh phí để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường khu Trung tâm huyện lỵ, nhằm đáp ứng yêu cầu giao thông tại trung tâm, từng bước hình thành các khu dân cư, khu đô thị mới.
Bài, ảnh: X.THIÊN