Khổ với rác thải

10:07, 26/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đất chật, người đông nhưng lại không có nơi để xử lý rác thải nên từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân xóm Mỹ An (còn gọi là xóm Cù Lao), xã Bình Chánh (Bình Sơn) phải sống trong cảnh ô nhiễm trầm trọng. Dù người dân đã kiến nghị nhiều lần lên chính quyền, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

TIN LIÊN QUAN

Nỗi khổ mang tên "rác"

Nói đến ô nhiễm môi trường, chị Nguyễn Thị Hương, một trong những hộ dân sống gần bãi rác bức xúc cho biết: “Người dân chúng tôi không thể chịu đựng nổi mỗi khi có luồng gió thổi qua. Khổ hơn là những hôm trời mưa giông, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, xông thẳng vào nhà. Ruồi nhặng thì nhiều vô số kể, nên mỗi lần trời chuyển chúng tôi lại phải đóng cửa ăn cơm. Cứ như thế này thì bà con chắc không thể trụ nổi!”.

Người dân xóm Mỹ An, xã Bình Chánh (Bình Sơn) đang chịu cảnh ô nhiễm vì rác thải.
Người dân xóm Mỹ An, xã Bình Chánh (Bình Sơn) đang chịu cảnh ô nhiễm vì rác thải.


Cùng chung tâm trạng với chị Hương, bà Châu Thị Tĩnh cho biết: Cứ sáng sớm với chiều tối là nhiều hộ dân lại mang rác ra vứt. Vừa nói, bà Tĩnh vừa đưa tay chỉ xuống cửa sông đen ngòm, ngập ngụa bao ni lông. Còn trên bờ đê, rác đã chất cao thành đống dài hơn 40m.

Điều đáng nói là không riêng gì rác thải sinh hoạt mà ngay cả xác chết động vật cũng vứt bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật cho người dân sống xung quanh bãi rác này.

Theo người dân nơi đây, không chỉ ở khu vực bờ đê mà ở Mỹ An có tới 4 bãi rác tự phát lớn nằm lẫn trong khu dân cư. “Bây giờ không thể phạt họ, vì đất ở đây chật, người lại đông, có nhà không có lấy tí đất vườn thì biết bỏ đi đâu. Chỉ mong chính quyền địa phương sớm có biện pháp xử lý để người dân đỡ khổ”, bà Tĩnh nói.

Cần sớm có biện pháp xử lý

Không thể cứ mãi sống chung với ô nhiễm, qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân ở xóm Cù Lao đã kiến nghị lên chính quyền địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Tấn – Chủ tịch UBND xã Bình Chánh cũng thẳng thắn thừa nhận, đây là vấn đề nan giải của địa phương.

Dù năm 2012, địa phương đã dành một khu đất trống rộng hơn 800m2 ở Động Cu, nằm cách khu dân cư 500m để người dân đổ rác và tự đốt hằng ngày. Tuy nhiên, số hộ đến đây để xử lý rác rất ít, mà đa số là vứt bừa bãi ở bờ đê và ở các bãi đất trống, nằm xen lẫn trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường.

Hiện xã Bình Chánh có 5 thôn, nhưng mới chỉ có thôn Đông Bình là đã hợp đồng xử lý rác thải với Công ty Cổ phần Cơ điện môi trường Lilama EME. Các thôn còn lại đều xử lý tại gia đình. Tuy nhiên, do là xã ven biển với mật độ dân số đông, nhà cửa san sát nhau, nhiều hộ không có đất vườn nên rất khó xử lý rác tại hộ gia đình.

Bên cạnh đó, ý thức của người dân còn kém trong việc hạn chế nguồn rác thải ra môi trường. Ngay cả rác thải là rau, cỏ người dân cũng bỏ hết vô bao ni lông rồi vứt ra môi trường, khiến khối lượng rác ngày một ứ đọng.

Trong khi chờ đợi biện pháp xử lý hữu hiệu từ phía chính quyền địa phương, trước mắt người dân phải tự nâng cao nhận thức của mình bằng cách thực hiện phương án “xách giỏ đi chợ”, để hạn chế mang bao ni lông về nhà. Đồng thời, phân loại ra từng loại rác để dễ xử lý. Đặc biệt, đối với xác chết động vật, người dân cần phải tìm nơi xa khu dân cư và tiến hành đào hố chôn lấp phù hợp, nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.


Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.