(Báo Quảng Ngãi)- Trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc, dưới chân núi Mum ở xã Long Môn (Minh Long) là cơ sở cách mạng từ tỉnh đến thôn, xã. Đến thời bình, dưới chân núi Mum là cuộc sống yên bình, sung túc của bà con đồng bào dân tộc thiểu số Hrê...
Từ căn cứ địa cách mạng...
Nhấp ngụm chè đặc, mắt nhìn xa xăm, những câu chuyện về “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” như ùa về trong ký ức của người cựu binh già Đinh Văn Lương, ở thôn Làng Ren. Giọng chậm rãi, ông Lương kể: Ngày ấy, núi Mum hoang vắng, dân cư thưa thớt nên khi bộ đội về bám trụ, sau đó lập căn cứ cách mạng, dân làng ai cũng nhớ kỹ khuôn mặt, giọng nói của từng người để... khỏi nhầm! “Bộ đội về, làng đông vui lắm! Nhưng trong chiến tranh, mình phải đề phòng người xấu giả bộ đội lừa bà con mình chứ!”, ông Lương nói.
Cuộc sống bình yên dưới chân núi Mum. |
Với bà Đinh Thị Don, cô du kích gan dạ năm nào giờ đã là một già làng uy tín ở thôn Cà Xen, thì những năm tháng “gánh gạo, cõng thương binh” là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình. Ấy nên, mỗi khi có ai nhắc đến hình ảnh người dân xã Long Môn đêm đêm cùng nhau vượt suối, băng rừng cõng gạo, mắm muối để tiếp tế cho các cơ sở cán bộ, bộ đội đóng quân dưới chân núi Mum, lại ùa về trong ký ức của những người như già Don. “Hồi đó, rừng núi âm u, tối tăm mịt mù, rắn, vắt bò lổm ngổm nên ban đầu, nhiều chị cũng sợ lắm. Nhưng vì giặc nó về phá làng, mình phải giúp bộ đội đánh đuổi nó”, bà Don nhớ lại.
Đã 41 năm trôi qua, nhưng những câu chuyện về tình quân dân vẫn chưa bao giờ cũ với người dân dưới chân núi Mum. Bởi, ký ức hào hùng ấy được dệt từ nhiều mất mát, đau thương của dân thôn Làng Giữa, Làng Ren, Làng Trê hay Cà Xen. Nhất là khi quê hương được giải phóng, có người trở về với cơ thể không lành lặn; người lại quặn lòng vì người thân, đồng đội mãi mãi nằm lại với núi rừng. Nén lại nỗi đau và sự hy sinh ấy, người dân núi Mum đồng lòng kiến thiết, xây dựng cuộc sống ngày càng sung túc, yên bình như hôm nay...
... đến sắc diện mới
Những ngày cuối tháng 4, đường về xã Long Môn rộn ràng, tấp nập xe cộ. Tại trung tâm xã, một “đại công trường” nhộn nhịp hoạt động bất chấp trời nắng nóng như đổ lửa. Phía trước, công trình đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn các huyện vùng Tây Quảng Ngãi (Ba Tơ – Minh Long – Sơn Hà) với kinh phí 100 tỷ đồng đang hối hả thi công. Phía bên phải, công trình đường trung tâm xã Long Môn đi vào Khu căn cứ địa cách mạng núi Mum với kinh phí đầu tư gần 30 tỷ đồng cũng vào chặng chính. Cùng với đó, hàng loạt tuyến đường từ Làng Trê đi Làng Ren, Cà Xen, Bãi Vẹt... cũng được đầu tư xây dựng. Các thôn làng dưới chân núi Mum vì thế cũng “sáng” từng ngày.
Không “sáng” sao được khi chỉ ba năm trước, cuộc sống của người dân Làng Mum vẫn còn thuộc diện biệt lập và tự cung, tự cấp lương thực, thực phẩm. Nguyên nhân cũng do đường vào Làng Mum dốc cao núi hiểm, nên cũng chẳng có ai tìm đến để giao thương, buôn bán. Và, dù chỉ cách trung tâm xã chưa đầy 8km nhưng mãi đến năm 2014, Làng Mum mới thoát khỏi ánh đèn dầu. Thế nhưng bây giờ, không chỉ Làng Mum mà tất cả các thôn trong xã Long Môn đều đã bừng sáng ánh điện, đường sá thênh thang, bớt gập ghềnh hiểm trở...
Dưới chân núi Mum ngày càng có nhiều ngôi nhà sàn ngói đỏ nổi bật giữa màu xanh bạt ngàn của keo, của lúa. Cuộc sống người dân vùng căn cứ địa cách mạng vì thế thêm yên bình, sung túc. “Điện đã có, đường lớn cũng sắp xong, dân làng mừng lắm! Keo, mì sẽ được về xuôi. Trẻ con đi học cũng không lo té ngã”, bà Don vui mừng nói.
Theo ông Võ Đình Tiến - Chủ tịch UBND huyện Minh Long, trong vòng ba năm qua, cùng với việc mở rộng các khu dân cư để người dân thuận lợi phát triển kinh tế nông hộ, huyện đã tập trung đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm nhằm thúc đẩy sản xuất, giao lưu hàng hóa, giúp bà con đồng bào dân tộc Hrê nơi đây tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thiết chế văn hóa, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. “Đây cũng là cách để tri ân công lao của người dân vùng căn cứ cách mạng năm xưa”, ông Tiến bày tỏ.
Bài, ảnh: MỸ HOA