Tuyến đường Sơn Liên-cầu Tà Meo: Sớm đầu tư để kết nối giao thương

08:04, 12/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những dốc đá dựng đứng, độ trơn trượt cao và hay xảy ra sạt lở núi khiến giao thông thường xuyên tắc nghẽn, cản trở giao thương hàng hóa, nhất là vào mùa mưa. Đó là thực trạng hiện nay của tuyến đường xã Sơn Liên (Sơn Tây) đi cầu Tà Meo (xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum).

Cung đường ám ảnh

Từ trung tâm xã Sơn Liên, ngược con đường bê tông chừng 500m về hướng xã Đăk Nên (Kon Tum), chúng tôi bắt đầu “chạm” vào nỗi ám ảnh của người dân. Thử thách đầu tiên là một con dốc dựng đứng lởm chởm đá và rãnh sâu do mưa rừng gây ra.

Vừa vượt qua con dốc chừng 100m, tôi thấy một người dân hì hục dắt chiếc xe chết máy vượt dốc. Anh cho biết mình tên Linh, quê xã Đăk Nên, qua trung tâm huyện Sơn Tây mua đồ điện tử về sửa ti vi cho khách. “Đường xấu quá xe phải trả về số 1 để “bò” lên dốc, nhưng chịu không nổi nên tắt máy. May mà kịp chống chân chứ không là người và xe ngã nhào rồi", anh Linh nói.

Một người dân phải dắt bộ xe do xe hư hỏng giữa đường khi lưu thông trên tuyến đường quá xấu.
Một người dân phải dắt bộ xe do xe hư hỏng giữa đường khi lưu thông trên tuyến đường quá xấu.


Tiếp tục xuôi về hướng tỉnh Kon Tum, hình ảnh những người đàn ông quê Quảng Ngãi kéo hết ga, hết số để kịp qua xã Đăk Nên bán lọn rau, con cá. Người và xe nhảy bần bật, lâu lâu người đi sau phải thắng gấp dừng lại để nhặt giúp hàng hóa của người đi trước bị rơi.

Anh Nguyễn Văn Huy, một người đi bán cá cho biết, anh hành nghề này gần 10 năm và rất thông thạo con đường. Tuy nhiên, khi thủy điện dâng nước, đường cũ chìm dưới lòng hồ và đường mới hình thành, nhưng rất khó đi do nhiều dốc cao. “Mùa hè đã thế này còn vào mùa mưa thì khó khăn hơn. Chuyện té ngã dẫn đến bể xe, trầy xước xảy ra như cơm bữa. Thậm chí có người bị té dẫn đến gãy tay. Chỉ 6km thôi, nhưng mất cả giờ đồng hồ mới qua được”, anh Huy nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuyến đường độc đạo này không chỉ dành cho người dân Quảng Ngãi sang buôn bán, giao thương với người dân tỉnh Kon Tum mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với người dân xã Đăk Nên. Một khi đường được đầu tư bê tông kiên cố thì hàng hóa nông sản, lâm sản của người dân sẽ bán với giá cao hơn. Bởi từ xã Đăk Nên đến trung tâm huyện Kon Plông đi đường nhựa xa đến gần 100km, còn qua trung tâm huyện Sơn Tây chưa đến 20km nên thuận tiện hơn...

Sớm đầu tư tuyến đường

Ông Trần Đông Phong - Chủ tịch UBND xã Sơn Liên, cho biết, thôn Đăk Doa của xã nằm giáp xã Đăk Nên (Kon Tum) nên mỗi khi muốn tổ chức họp dân hay triển khai kế hoạch gì là phải... dò thời tiết mới dám đi. Bởi không may gặp trời mưa thì chỉ có nước bỏ xe máy điện thoại về huyện nhờ xe U-oát lên “giải cứu”.

Trước bức xúc của người dân, chính quyền huyện Sơn Tây đã kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền đề nghị đầu tư dự án để đáp ứng lòng mong mỏi của người dân hai địa phương, cũng như tạo ra mạng lưới giao thông thông suốt tạo động lực phát triển kinh tế. Dù chính quyền hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum đã tổ chức gặp gỡ và bàn phương án đầu tư con đường. Thế nhưng, nguồn vốn vẫn là rào cản chính khiến kế hoạch bê tông con đường vẫn chỉ nằm trên giấy.

Ông Đinh Quang Ven - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết, năm 2014 dự án đường Sơn Liên - cầu Tà Meo đã được UBND tỉnh đưa vào danh mục dự án chuẩn bị đầu tư với vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, ngân sách Trung ương và các nguồn vốn khác. Tuy nhiên, đến nay dự án trên vẫn chưa được triển khai.

“Việc bố trí vốn đầu tư tuyến đường là vô cùng cần thiết, tạo điều kiện cho giao lưu phát triển kinh tế - xã hội vùng tây bắc tỉnh Quảng Ngãi và đông bắc tỉnh Kon Tum, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng và an ninh trật tự vùng giáp ranh giữa hai tỉnh. Đồng thời tạo động lực lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của hai địa phương”, ông Ven kiến nghị.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.