(Báo Quảng Ngãi)- Xây dựng tủ sách pháp luật (TSPL) ở cơ sở là một trong những hoạt động nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi trong cán bộ và nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay TSPL ở hầu hết các địa phương trong tỉnh chưa phát huy hiệu quả.
Đến nay, 184 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã có TSPL, cá biệt, một số địa phương có từ 2- 3 TSPL. Các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang, hệ thống giáo dục... đều triển khai và trang bị ít nhất một TSPL. Mỗi tủ sách có từ 50 - 200 đầu sách, chủ yếu là sách liên quan đến các vấn đề Luật Hôn nhân và gia đình, dân sự, đất đai, sách hướng dẫn nghiệp vụ... Trong những năm qua, TSPL đã đem lại hiệu quả tích cực trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân.
Tủ sách pháp luật tại phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi) đầy đủ các đầu sách, nhưng chỉ có vài lượt người dân đến mượn đọc. |
"Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn đều có TSPL, nhưng một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, tác dụng của việc xây dựng TSPL nên chưa phát huy được hiệu quả". Ông Phạm Minh Hòa - Phó Giám đốc Sở Tư pháp. |
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Tư pháp, bên cạnh những mặt đạt được thì vấn đề sử dụng TSPL vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Hiện tại mới chỉ có một số TSPL ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát huy được tác dụng, thường xuyên có người đến tìm hiểu, còn đa số TSPL ở các xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố đều hoạt động kém hiệu quả, do việc quản lý chưa phù hợp, người dân ít quan tâm...
Tại UBND phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi), chị Tạ Thị Thanh Thủy - cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, kiêm quản lý TSPL cho biết: “Hiện TSPL có trên 200 cuốn, các văn bản pháp luật được cập nhật thường xuyên nhưng rất ít người dân đến đọc và mượn sách. Năm 2011, phường cũng đã xây dựng TSPL tại 14 tổ dân phố nhưng vì không có kinh phí nên số lượng đầu sách hạn chế. Tủ sách pháp luật chủ yếu phục vụ cho cán bộ, công chức phường tham khảo sử dụng là chính”.
Theo đánh giá của Phòng Tư pháp huyện Tư Nghĩa thì hiện nay các TSPL ở các xã, thị trấn trên địa bàn vẫn chưa đạt yêu cầu, mục đích đề ra. Nguyên nhân là do số lượng sách, báo, tài liệu pháp luật còn quá ít, phần lớn là các tài liệu cũ, không còn phù hợp với tình hình hiện nay, các văn bản, quy định mới chậm bổ sung, cập nhật, chưa bố trí không gian phù hợp cho người đọc sách... Nhiều sách, văn bản pháp luật quan trọng, thiết thực mới ban hành nhưng do thiếu kinh phí nên không được bổ sung; văn bản pháp luật hết hiệu lực vẫn trưng bày; một số tủ sách tồn tại chỉ mang tính hình thức, chưa phát huy được tác dụng. Mặt khác, TSPL được đặt tại trụ sở của UBND nên chỉ phục vụ cán bộ, còn người dân với tâm lý e ngại nên hầu như không ai đến mượn sách để đọc.
Đối với một số cơ quan, đơn vị, mô hình TSPL đang có chiều hướng dần mất đi giá trị. Nguyên nhân là do được trang bị hệ thống máy tính sử dụng internet có thể truy cập, tìm kiếm nhanh các văn bản pháp luật trên các Trang tin điện tử của Chính phủ, Quốc hội. Một số cơ quan xây dựng được Cơ sở dữ liệu văn bản chuyên ngành, cũng như văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến nhu cầu mượn và đọc tài liệu, văn bản giấy dần giảm đi.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của TSPL, cần phải tăng cường công tác đầu tư cho TSPL cơ sở, nhất là việc cập nhật những loại sách, văn bản mới, ngắn gọn và dễ hiểu để người dân dễ dàng tiếp cận.
Bài, ảnh: VŨ YẾN